Trước tòa, ông “trùm” đa cấp Lê Xuân Giang khai rằng không thể nhớ chính xác đã thu bao nhiêu tiền của các bị hại, nhưng phủ nhận con số hơn 2.100 tỉ đồng thu của 68.000 bị hại là không chính xác.
Chiều 21/12, TAND TP Hà Nội đã tiến hành xét hỏi bị cáo Lê Xuân Giang, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP Liên Kết Việt, cùng 6 bị cáo liên quan đến vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" tại Công ty CP Liên Kết Việt. Tại phiên xét xử, tòa án triệu tập hơn 6.000 bị hại trong vụ án đến tham gia tố tụng và nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác.
Bị cáo Lê Xuân Giang
Theo nội dung truy tố, từ tháng 3/2014 đến tháng 11/2015, Lê Xuân Giang lợi dụng việc Công ty Liên Kết Việt được cấp giấy phép kinh doanh hàng đa cấp đã cùng các bị cáo dùng những thủ đoạn tinh vi, cung cấp thông tin sai lệch để thực hiện hành vi lừa đảo, khiến bị hại nghĩ rằng Liên Kết Việt là công ty con của Công ty BQP thuộc Bộ Quốc phòng, liên doanh, liên kết với các cơ quan uy tín của Bộ Quốc phòng, được thử nghiệm, đưa vào sử dụng tại các bệnh viện trung ương.
Với những cách thức, thủ đoạn như trên, Giang đã cùng các đồng phạm phát triển mạng lưới với 34 chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lý tại 27 tỉnh/TP. Tính đến tháng 11/2015, các bị can lôi kéo được hơn 68.000 người tại 49 tỉnh/TP tham gia với tổng số tiền lên tới gần 2.100 tỉ đồng.
Số tiền trên Giang sử dụng hơn 869 tỉ đồng để chi hoa hồng, hơn 17 tỉ đồng chi trả cho nhà phân phối, hơn 82 tỉ đồng để sản xuất hàng hóa… Còn lại số tiền hơn 1.121 tỉ đồng đã bị các bị can lừa đảo, chiếm đoạt.
Tại phiên tòa, Lê Xuân Giang khai do việc kinh doanh diễn ra từ 5 năm trước nên đến nay, ông ta không nhớ con số chính xác đã lừa của các bị hại. Tuy nhiên, số tiền gần 2.100 tỉ đồng thu của 68.000 bị hại mà cáo trạng nêu là không chính xác vì trên thực tế, nhiều khách hàng có mã số ảo.
Trình bày về cách thức kinh doanh, Lê Xuân Giang khai giai đoạn đầu khi công ty mới thành lập, nhà đầu tư cần đặt cọc từ 7 triệu đến 8,6 triệu đồng để tham gia mạng lưới. Sau khi ký hợp đồng và đặt cọc, khách hàng được nhận một máy Ozone trị giá 3,5 triệu đồng kèm một lượng thực phẩm chức năng.
Theo lời khai của Giang, trong giai đoạn 2014-2015, công ty đều trả lãi đầy đủ cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau đó, khách hàng ồ ạt tham gia với số lượng lớn nên Công ty Liên Kết Việt phải xin giãn thời gian để sản xuất thêm máy Ozone và thực phẩm chức năng để trả đủ cho nhà đầu tư.
"Khi mọi người đến đòi nợ, bị cáo phải bán biệt thự và lấy tiền trong tài khoản ngân hàng để trả cho khách hàng. Thậm chí, bị cáo còn bị nhà đầu tư thuê xã hội đen đến đòi tiền", Giang khai báo.
Theo kế hoạch, phiên toà xét xử vụ án này diễn ra trong 10 ngày, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật. Sáng 22/12, HĐXX và đại diện VKSND tiếp tục xét hỏi 7 bị cáo.
Anh Thư