Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ngày 4/1 cho biết, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Hà Nội) với tổng mức đầu tư gần 270 tỷ đồng sẽ hoàn thành và thông xe, đưa vào khai thác từ ngày 7/1 tới, phương tiện có thể lưu thông với tốc độ tối đa 80 km/giờ.
Như vậy, sau gần năm tháng sửa chữa, mặt cầu Thăng Long đã hoàn thành, thông xe để giảm tải cho cầu Nhật Tân và giúp lưu thông đồng bộ tuyến đường vành đai 3 Mai Dịch - Nam Thăng Long đã được khánh thành, đưa vào khai thác trong năm 2020.
Cầu Thăng Long chuẩn bị được thông xe vào ngày 7/1 tới. Ảnh: Tổng cục Đường bộ Việt Nam
Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, mặt cầu Thăng Long trước kia là bản mặt tấm thép dày 14 mm, được thảm bê tông nhựa phía trên bề mặt. Sau quá trình dài khai thác, phương tiện lưu thông đã làm bản mặt thép bị “mỏi”, mặt cầu dao động khiến lớp bê tông nhựa bị trồi sụt, hư hỏng.
“Khi sửa chữa, mặt cầu được gia cố bằng lớp bê tông siêu tính năng kết nối thêm lớp bê tông nhựa polymer phía trên dày 4 cm. Chưa kể, giữa hai lớp nhựa này được gia cường 1,4 triệu đinh neo và thép bản mặt cầu nên cầu Thăng Long sẽ bảo đảm tuổi thọ khai thác lâu dài. Hiện nay, theo tính toán, mặt cầu có độ cứng gấp ba lần so trước đây”, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhận định.
Cầu Thăng Long được xây dựng từ năm 1974 và thông xe đưa vào sử dụng từ tháng 5/1985. Cầu Thăng Long gồm cầu chính vượt sông dài 1.680m gồm một nhịp dàn thép, tạo thành liên dầm liên tục, mỗi liên có độ dài 112 m/nhịp x 3 nhịp. Cầu được thiết kế gồm hai tầng dùng chung cho đường sắt và đường bộ, cầu đường sắt và xe thô sơ nằm phía dưới, cách tầng trên 14,1 m, rộng 17 m.
Cầu ô tô nằm ở tầng trên có chiều rộng 20,5 m, phần đường ô tô rộng 16,5 m gồm bốn làn xe, chiều rộng hành lang bộ hành hai bên 2 m. Các nhịp cầu dẫn của đường sắt có kết cầu bằng nhịp dầm bê tông cốt thép dự ứng lực chiều dài 3m/nhịp, tổng cộng 116 nhịp cầu dẫn đường sắt (năm nhịp phía bắc và sáu nhịp phía nam), tổng chiều dài 3,23 m.
Tuy nhiên, sau thời gian dài khai thác, mặt cầu bị hư hỏng và được tiến hành sửa chữa lớn vào năm 2009 và sửa chữa cục bộ thời gian sau đó nhưng vẫn không thể giải quyết triệt để.
Anh Thư