Tính đến 7h sáng nay 2/12, thế giới đã vượt 64 triệu ca nhiễm. Việt Nam có hai ca lây nhiễm tại TP HCM.
Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, chiều hôm qua (1/12) Việt Nam có thêm bốn ca nhiễm, trong đó có hai trường hợp lây nhiễm từ BN1347 tại TP HCM. Tổng số ca mắc COVID-19 ở nước ta tính đến thời điểm này là 1.351 trường hợp.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly, theo dõi sức khỏe là 16.756.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.195/1.351 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 là 5 ca; số ca âm tính lần 2 là 4 ca, số ca âm tính lần 3 là 10 ca.
Tình hình dịch bệnh trên thế giới
Trang Worldometers thống kê, tính đến 7h sáng nay, thế giới có tổng cộng hơn 64,13 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,48 triệu người tử vong và 44,34 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 69%).
Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 14,08 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 157.558 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 2.356 ca, nâng tổng số lên 276.721. Số bệnh nhân phục hồi là 8,31 triệu người (tỉ lệ đạt 59%).
Số ca mắc COVID-19 mới, nhập viện và tử vong trên toàn nước Mỹ đang tăng cao vượt tầm kiểm soát khiến các bệnh viện trở nên quá tải. Các số liệu dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng trong những tuần sau Lễ Tạ ơn khi hàng triệu người Mỹ đã đi du lịch trong kì nghỉ lễ.
Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 9,49 triệu ca nhiễm và 138.090 ca tử vong, tăng lần lượt 32.407 và 431 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 94% với tổng 8,92 triệu người đã khỏi bệnh.
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức nước này ghi nhận thêm 50.509 ca nhiễm mới và 652 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 6,38 triệu và 173.817 ca tử vong. Trong đó số ca phục hồi là hơn 5,6 triệu, tỉ lệ đạt 90%.
Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày tại Brazil tăng mạnh trở lại. Giới chuyên gia đánh giá nước này có thể chưa vượt qua làn sóng COVID-19 đầu tiên.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 26.402 ca mắc và 569 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tính tới thời điểm này là hơn 2,32 triệu trường hợp, trong đó có 40.464 trường hợp tử vong và hơn 1,8 triệu người hồi phục (đạt 77%). Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Nga vẫn đang tăng.
Ảnh minh hoạ. Ảnh: Moskva News Agency
Đức tiếp tục phải đối mặt với làn sóng đại dịch thứ hai tồi tệ khi số ca nhiễm mới và tử vong tăng cao.
Tuần trước, giới chức nước này đã ban hành lệnh phong toả lần thứ hai trong tháng 12. Theo đó, các trường học và cửa hàng được phép mở cửa, nhưng các cuộc tụ tập bị giới hạn, các phòng tập thể dục, nhà hát, quán rượu, quán bar và nhà hàng trừ những nơi cung cấp đồ ăn mang đi buộc phải đóng cửa, theo CNBC.
Các hạn chế sẽ được nới lỏng từ ngày 23/12 đến 1/1 để cho phép các gia đình và bạn bè tụ tập vào dịp Giáng sinh, nhưng sau đó sẽ được thắt chặt trở lại.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết, nước này ghi nhận thêm 12 ca nhiễm mới, trong đó có 4 trường hợp nội địa ở khu tự trị Nội Mông, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 86.542 ca nhiễm, 4.634 ca tử vong và 81.631 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) thông báo nước này ghi nhận 451 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 34.652 ca, trong đó có 526 trường hợp tử vong và 27.885 người đã hồi phục (tỉ lệ đạt 88,6%).
Ca nhiễm mới trong 3 ngày qua tại Hàn Quốc giảm nhẹ, nhưng giới chức nước này vẫn chưa dám kết luận dịch bệnh đang có xu hướng tích cực, đồng thời cảnh báo về sự gia tăng ca bệnh có thể xảy ra trong mùa đông sắp tới.
Theo trang tin Yonhap, Hàn Quốc hôm 29/11 quyết định giữ các biện pháp giãn cách xã hội tại Seoul ở Cấp độ 2; nâng các biện pháp ở Busan, Nam Chungcheong và ba tỉnh, khu vực khác có số ca nhiễm cao lên Cấp độ 2 và tất cả các khu vực còn lại lên Cấp độ 1,5 trong 2 tuần kể từ 1/12.
Bên cạnh đó, các quy định phòng dịch nghiêm ngặt hơn cũng sẽ được thực hiện trong vòng 1 tuần từ 1/12 tại Seoul.
Indonesia vẫn là quốc gia có tỉ lệ lây nhiễm cao nhất tại khu vực Đông Nam Á, gần đây liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới và tử vong hàng ngày ở mức cao kỉ lục. Trong đó, thủ đô Jakarta chứng kiến số ca mắc ở mức cao chưa từng thấy trong tháng 11 qua.
Nước này không thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt như các nước láng giềng. Kể từ tháng 10 đến nay, thủ đô Jakarta đã áp đặt lại các hạn chế quy mô lớn nhưng vẫn cho phép các trung tâm thương mại mở cửa trong khoảng thời gian nhất định.
Một số chuyên gia y tế và quan chức Indonesia cho rằng việc cho phép tổ chức các sự kiện đông người ở Jakarta là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng số ca mắc COVID-19 gần đây.
Anh Thư