Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ được Bộ GTVT bàn giao cho TP Hà Nội từ 31/3 để khai thác.
Ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng trọn gói và thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước chưa được tháo gỡ cũng là nguyên nhân dẫn đến tiến độ thực hiện dự án kéo dài.
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ được bàn giao cho TP Hà Nội
Như vậy, đã qua 1 thập kỷ với 3 đời Bộ trưởng Bộ GTVT gồm: ông Đinh La Thăng; ông Trương Quang Nghĩa; ông Nguyễn Văn Thể vẫn nhiều lần chậm tiến độ, đội vốn "khủng" và vẫn lỡ hẹn ngày vận hành.
Dưới thời ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng Bộ GTVT, ông đã kiên quyết chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án, thậm chí trảm "tướng" vì để xảy ra nhiều sai sót liên quan đến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Điển hình, Bộ trưởng Đinh La Thăng quyết định đình chỉ chức vụ Cục trưởng Đường sắt của ông Nguyễn Hữu Thắng vì những phát ngôn liên quan dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến uy tín của ngành GTVT.
Tiếp đó, tới thời Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, dù rất nỗ lực chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ, nhưng dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn bị chậm.
Đến nay, dự án vẫn chỉ dừng lại ở bước chạy thử nghiệm tàu để đánh giá an toàn mà chưa rõ ngày vận hành khai thác thương mại.
Theo văn bản chấp thuận của Thủ tướng và quyết định điều chỉnh tiến độ của Bộ GTVT ban hành tháng 12/2020, dự án được điều chỉnh tiến độ thực hiện đến 31/3 tới.
Theo đại diện của Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) thông tin tới báo chí, trong quá trình làm thủ tục còn có những vướng mắc liên quan đến quá trình làm thủ tục, quản lý vận hành. Tuy nhiên, đó không phải là những vấn đề lớn nên sẽ được các bên trao đổi thống nhất, hoàn thiện trước khi dự án được bàn giao cho Hà Nội.
“Đến 31/3 sẽ ký biên bản bàn giao đưa vào khai thác thương mại theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”. Đại diện Ban Quản lý cho biết.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài là 13,08 km chạy qua địa bàn các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Từ Liêm và Hà Đông của TP Hà Nội, được Bộ GTVT giao Ban Quản lý Dự án Đường sắt của bộ này làm đại diện chủ đầu tư.
Tổng mức đầu tư của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông ban đầu là 8.770 tỷ đồng (tương đương gần 553 triệu USD); trong đó vốn vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc là 1,2 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 169 triệu USD); vốn vay ưu đãi bên mua là 250 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là hơn 2.100 tỷ đồng.
Toàn tuyến đi trên cao và chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa 2 làn đường bộ thuộc trục đường Hào Nam và đường Nguyễn Trãi; điểm khởi đầu là ga Cát Linh (Q. Đống Đa), điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa (Hà Đông) gồm 12 ga đón tiễn khách (Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng - Đại học Quốc gia - Vành đai III - Thanh Xuân III - Bến xe Hà Đông - Hà Đông - La Khê - Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới) và khu Depot (trung tâm điều hành tuyến) tại phường Phú Lương, quận Hà Đông. Dự kiến đưa công trình vào khai thác, sử dụng vào năm 2015.
Mục tiêu Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau khi hoàn thành sẽ đóng vai trò nòng cốt cho giao thông công cộng, cùng với mạng lưới xe buýt nhanh sẽ giải quyết cơ bản vấn đề tắc nghẽn giao thông tại thủ đô Hà Nội và phấn đấu đạt mục tiêu giao thông công cộng đáp ứng được 35 - 45% nhu cầu đi lại của nhân dân Thủ đô.
Phú Yên - Yên Bài