Năm 2020, ngành đường sắt chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19, đồng thời bão lũ xảy ra tại miền Trung vừa qua đã khiến sản lượng vận tải của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giảm mạnh, dự kiến năm 2020 lỗ 1.324 tỷ đồng.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), năm 2020, toàn ngành đạt sản lượng hơn 6.800 tỷ đồng, bằng 79% so với năm 2019, doanh thu 6.565 tỷ đồng bằng 78%. Riêng công ty mẹ có tổng doanh thu 1.713 tỷ đồng, bằng 66% so với cùng kỳ, dự kiến lỗ hơn 1.324 tỷ đồng. Khối doanh nghiệp vận tải chỉ đạt doanh thu hơn 2.909 tỷ đồng (giảm hơn 32% so với cùng kỳ).
Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, đường sắt phải cắt giảm chạy tàu khách trên tất cả các tuyến, dẫn đến người lao động thiếu việc làm, phải bố trí cho lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ luân phiên không hưởng lương từ 5 đến 13 ngày công một tháng. Thu nhập bình quân của người lao động chỉ đạt hơn 8,2 triệu đồng/người/tháng, giảm gần 14% so với năm trước.
Đường sắt lỗ hơn 1.300 tỷ đồng, lương giảm 14% trong năm 2020
Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch VNR cũng nhận định, năm 2021 sản lượng vận tải hành khách của ngành đường sắt vẫn bị tác động mạnh bởi các yếu tố như: COVID-19 chưa có dấu hiệu kết thúc; dự án cải tạo hạ tầng đường sắt sẽ làm giảm năng lực chạy tàu 25 - 30%; sự cạnh tranh của các hãng hàng không về giá vé...
Mặt khác, nguồn vốn bố trí cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quá thấp so với nhu cầu, chưa tạo sức hút mạnh đối với nguồn vốn tư nhân. Bởi vậy, ngành này chưa có bước đột phá cho phát triển, thị phần của vận tải đường sắt ngày càng thu hẹp.
Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, cho rằng mức lỗ của VNR là tương đối cao. Đây là điều lo lắng cho phát triển những năm tới. 10 năm qua, huy động ngân sách tư nhân là rất hạn hẹp vì thế đề án quản lý khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt cần làm kỹ càng để có các chính sách hút vốn tư nhân.
Bà Hà yêu cầu VNR sớm có báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về dự báo các phương án khác nhau để có cơ sở phê duyệt điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021. Đồng thời, doanh nghiệp cần cắt giảm các chi phí, áp dụng công nghệ thông tin trong điều hành sản xuất; điều chỉnh tái cơ cấu nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, có giải pháp nâng cao đời sống cán bộ công nhân viên...
Phương Lê