Tháng 1/2021, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục xu hướng tăng so với tháng trước, đạt 2.213 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 1/2021: Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Hà Nội tăng 0,4%
Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn TP Hà Nội trong tháng 1/2021 tiếp tục tăng trưởng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu cấp tín dụng và chấp hành các quy định của pháp luật về tỷ lệ an toàn giữa nguồn vốn huy động và nguồn vốn cho vay.
Tháng 1/2021, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn Hà Nội ước tính đạt 3.765 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tiền gửi VNĐ tăng 0,4% so với 31/12/2020; tiền gửi ngoại tệ tăng 0,1%; tiền gửi tiết kiệm tăng 0,3%; tiền gửi thanh toán tăng 0,5%.
Bên cạnh đó, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP đạt 2.213 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% so tháng trước và tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 0,7% so với 31/12/2020; dư nợ trung và dài hạn tăng 0,2%; dư nợ VNĐ tăng 0,4%; dư nợ ngoại tệ tăng 0,1%.
Trong tổng dư nợ, bất động sản đạt 418 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ cao nhất đạt 20,9%, tiếp đến là hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 377 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,9%. Việc nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục tăng trưởng có thể đến từ hoạt động tiêu dùng gia tăng dịp cuối năm và nhiều doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất kinh doanh.
Tình hình thực hiện lãi suất: Các TCTD trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về lãi suất của NHNN, lãi suất huy động tiền gửi bằng VND phổ biến ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,2 - 3,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4 - 6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,6 - 6,8%/năm.
Lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 5,5-8,0%/năm đối với ngắn hạn; 7,5 - 9,0%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) ở mức 4,5%/năm.
Về kiểm soát nợ xấu, các TCTD tích cực nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro thông qua việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhằm phát hiện các khoản vay có vấn đề trước khi phát sinh tình trạng nợ xấu. Tính đến hết tháng 1, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD chiếm 1,9% trong tổng dư nợ và 2,1% trong tổng dư nợ cho vay.
Minh Phương