Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 11 năm 2020 ước đạt 286 nghìn tấn với giá trị đạt 109 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 11 tháng đầu năm 2020 ước đạt 2,44 triệu tấn và 874 triệu USD, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 2,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn bình quân 10 tháng đầu năm 2020 ước đạt 353,8 USD/tấn, giảm 9,3% so với cùng kì năm ngoái.
Mặt hàng sắn lát, xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2020 tăng mạnh ước đạt 579 nghìn tấn, tương đương 134 triệu USD, tăng 71,1% về lượng và tăng 87,5% về giá trị so với cùng kì năm trước. Giá xuất khẩu sắn lát bình quân 11 tháng ở mức 231,5 USD/tấn, tăng 9,6% so với mức giá 211 USD/tấn của cùng kì năm trước.
Mặt hàng tinh bột sắn, xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1,86 triệu tấn với giá trị 740 triệu USD, giảm 0,8% về lượng và giảm 5,4% về giá trị so với cùng kì năm 2019. Giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn đạt 398 USD/tấn, giảm 4,7% so với cùng kì năm trước.
Xuất khẩu sắn và các sản phẩm của sắn giảm nhẹ.
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực trong 10 tháng đầu năm 2020 khi chiếm 90,8% trong thị phần xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam.
Cụ thể, tổng sản lượng xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn sang Trung Quốc 10 tháng đầu năm 2020 đạt 1,95 triệu tấn, tương đương với 695 triệu USD, tang 15,1% về sản lượng và tăng 3,9% về giá trị so với cùng kì năm 2019.
Đài Loan, Malaysia là hai thị trường tăng trưởng mạnh trong 10 tháng đầu năm 2020, với mức tăng trưởng về giá trị xuất khẩu lần lượt là 23% và 8% so với cùng kì năm ngoái.
Nhờ việc Trung Quốc đẩy mạnh thu mua sắn lát trong năm 2020 nhằm phục vụ cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và ngành công nghiệp ethanol mà xuất khẩu sắn lát của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2020 đã gần chạm mốc 1 tỷ USD, tăng 104% về giá trị xuất khẩu so với cùng kì năm ngoái.
Tại thị trường trong nước, giá sắn nguyên liệu đến giữa tháng 11 tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục xu hướng tăng (giá sắn nguyên liệu tại Tây Ninh tăng lên mức khoảng 3.000 đồng/kg) do nguồn cung hạn chế, các nhà máy không đủ nguyên liệu để sản xuất hết công suất.
Trên thị trường thế giới, giá sắn và sản phẩm sắn cũng đang biến động tăng ở một số nước sản xuất chính. Hiệp hội tinh bột sắn Thái Lan đã tăng giá sàn xuất khẩu tinh bột sắn lên mức 470 USD/tấn, trong khi giá thu mua tinh bột sắn cũng được điều chỉnh lên mức 13,4 Baht/kg.
Tại Campuchia, do thiên thai gây mất mùa nên giá sắn đầu vụ được đẩy lên cao hơn nhiều so với các năm trước đây. Hiện giá sắn tươi đạt mức 160 Riel/kg (tăng 60% so với mức 100 riel/kg cùng kỳ năm ngoái) và sắn lát khô dao động ở mức 780-910/kg riel tùy chất lượng.
Trung Thành