Theo Cục Thống kê Hà Nội, trong tháng 1/2021, thành phố Hà Nội có 6 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 1,8 triệu USD.
Trong đó có 05 dự án 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 01 dự án liên doanh, liên kết. Điều chỉnh tăng vốn 02 dự án với số vốn bổ sung đạt 0,3 triệu USD. Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 12,9 triệu USD.
Một trong những nguyên nhân kết quả thu hút FDI có sự sụt giảm so với cùng kỳ do vướng mắc chưa có Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư năm 2020.
Tháng đầu năm, Hà Nội thu hút 1,8 triệu USD vốn FDI và 6 dự án FDI được cấp phép mới.
Về thu hút đầu tư trong nước, trong tháng 1 đã thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư 06 dự án với tổng số vốn là 1.219 tỷ đồng.
Năm 2020, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, Hà Nội vẫn đứng thứ 2 cả nước về kết quả thu hút đầu tư nước ngoài, với 3,72 tỷ USD.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, tính đến ngày 20/01/2021, vốn thực hiện của dự án FDI trên cả nước ước đạt 1,51 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 2,02 tỷ USD, bằng 37,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng vốn đăng ký giảm mạnh như vậy là tháng 01/2020 có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD.
Nếu không tính dự án này, tổng vốn đầu tư đăng ký tháng 1/2021 sẽ tăng 51,7% so với cùng kỳ. Trong số đó, có 47 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 81,8% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt trên 1,3 tỷ USD, giảm 70,3% so với cùng kỳ.
Về vốn điều chỉnh, có 46 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 40,3% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 472,2 triệu USD, tăng 41,4% so với cùng kỳ.
Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 194 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 78,1% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp 220,8 triệu USD, giảm 58,7% so với cùng kỳ.
Để đạt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, ngay từ những ngày đầu năm, Thành phố đã khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm theo chương trình, kế hoạch đề ra; đặc biệt chú trọng cải tiến các thủ tục, thông thoáng về cơ chế để sẵn sàng đón nhà đầu tư nước ngoài.
Để tạo cơ sở hạ tầng tốt, hấp dẫn các nhà đầu tư, thành phố Hà Nội cũng đẩy nhanh thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước do địa phương quản lý, tháng 1 ước tính đạt 3.364 tỷ đồng, tăng 52,1% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 6,6% kế hoạch năm 2021; trong đó, chủ yếu là vốn của các công trình, dự án chuyển tiếp từ năm 2020 sang năm 2021.
Trong tháng, Thành phố đã tổ chức khánh thành, khởi công và gắn biển nhiều công trình lớn chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng như: khánh thành dự án xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch nút giao đường vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; khánh thành, thông xe kỹ thuật tuyến đường từ khu đô thị Trâu Quỳ qua đường Dương Xá - Đông Dư đến ga Phú Thụy; khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2; khởi công xây dựng 4 dự án hạ tầng khung trên địa bàn huyện Gia Lâm…
Ngoài ra, trên các công trình đã khởi công như tuyến Metro số 3 Nhổn - Ga Hà Nội, tuyến đường vành đai 2 trên cao, đoạn qua phố Đại La…, các Ban Quản lý đang gấp rút thực hiện theo đúng tiến độ, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, môi trường, mỹ quan đô thị, thuận lợi cho nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Hồng Ngọc