Với sự chênh lệch rất lớn số lượng căn hộ ở phân khúc nhà ở cao cấp và bình dân được đưa ra thị trường trong năm 2020 đã đẩy thị trường bất động sản TP.Hồ Chí Minh rơi vào tình trạng lệch pha cung, cầu đáng báo động.
Phân khúc căn hộ cao cấp đang áp đảo thị trường nhà ở tại TPHCM. Ảnh C.A
Nguồn cung sụt giảm mạnh
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trong năm 2020 trên địa bàn thành phố có 47 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, tăng đáng kểso với năm 2019. Cụ thể, thành phố đã chấp nhận chủ trương đầu tư cho11 dự án, tăng 10 dự án so với năm 2019; Công nhận chủ đầu tư 10 dự án, tăng 9 dự án so với năm 2019; Chấp thuận đầu tư 26 dự án, tăng 10 dự án so với năm 2019. Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng đã đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư chấp thuận chủ trương đầu tư 61 dự án giảm 46% so với năm 2019, nhưng không có dự án nào đượcduyệt
Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng, năm 2020, số lượng dự án nhà ởtại TP.HCM tiếp tục bị sụt giảm mạnh, giảm 83 dự án so với năm 2017 và giảm 75 dự án so với năm 2018.
Theo nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) nguyên nhân dẫn đến sụt giảm mạnh các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư trong thời gian qua là do có nhiều vướng mắc về thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tưđối với dự án đầu tư, dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp; Vướng mắc trong việc xử lý các thửa đất thuộc diện Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong dự án;Vướng mắc về công tác xác định giá đất dự án, thẩm định giá đất để tính tiền sử dụng đất dự án nhà ở và cấp “sổ hồng”cho chủ đầu tư dự án nhà ở và người mua nhà bị kéo dài, thường mất trên dưới 3 năm;Vướng mắc trong xử lý chuyển tiếp đối với các dự án đầu tư, dự án nhà ởsử dụng quỹ đất có nguồn gốc đất công,do sắp xếp lại trụ sở làm việc, di dời nhà xưởng ô nhiễm…
Đặc biệt, vướng mắc do cơ quan có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở, thì mới được công nhận chủ đầu tư, mới được cấp giấy phép xây dựng là một trong những vướng mắc lớn dẫn đến ách tắc trong quy trình thủ tục đầu tư cho nhiều dự án nhà ở tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến các vướng mắc nêu trên, Chủ tịch HoREA cho rằng, nguyên nhân đầu tiên bắt nguồn từ sự thiếu đồng bộ, thiếu tính liên thôngcủa một số quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, có nguyên nhân do nhận thức của cán bộ công chức nhà nước trong quá trình thực thi pháp luật.
Ngoài ra, việc chưa xây dựng được quy trình thủ tục đầu tư xây dựng phù hợp đối với dự án nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến cho việc triển khai các dự án nhà ở thương mại gặp nhiều vướng mắc.
Lệch pha cung cầu
Theo số liệu thống kê, năm 2020, Sở Xây dựng TP.HCM đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 31 dự án,giảm 34% so với năm 2019,với tổng số 16.895 căn nhà, giảm 30,4% so với năm 2019.Tổng giá trị huy động vốn là 66.674 tỷ đồng.Trong đó, có 7.114 căn nhà thuộc phân khúc nhà ở cao cấp, chiếm tỷ lệ 42,1%, tăng 15,9%; Phân khúc nhà ở trung cấp có 9.618 căn chiếm tỷ lệ 56,9%, tăng 66,2%; Phân khúc nhà ở bình dân chỉ có 163 căn, chỉ chiếm tỷ lệ 1%, giảm đến 98,6%so với năm 2019.
Theo nhận định của HoREA, trên thực tế thì phân khúc nhà ở cao cấp có thể chiếm đến tỷ lệ khoảng 70%; Phân khúc nhà ở trung cấp chiếm khoảng trên dưới 25% trong tổng số nhà ở được huy động vốn năm 2020. Sở dĩ có sự chênh lệch giữa số liệu thống kê của Sở Xây dựng với thực tế vì khi trình dự án lên Sở Xây dựng, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thường kê khai mức giá bán thấp, nhưng đến khi huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai, thì chủ đầu tư bán nhà với mức giá cao hơn, thậm chí có mức giá nhà ở cao cấp.
Tình trạng này cho thấy có sự“lệch pha” sản phẩm trên thị trường bất động sản TP.HCM. Sản phẩm nhà ở cao cấp đang chiếm áp đảo, trong lúc rất thiếu sản phẩm nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp, dẫn đến sự phát triển của thị trường bất động sảnthiếu tính ổn định, bền vững.
Đáng chú ý, giá nhà ở tại TP.HCM vẫn tăng nóng trong năm 2020. Điển hình, giá căn hộ tại khu vực thươngmại trung tâm của thành phố, kể cả khu đô thị Thủ Thiêm, tương đương khoảng 5.000-7.000 USD/m2;tại khu vực quận 9, khoảng trên dưới 2.000 USD/m2, tùy theo vị trí và dự án).“Do rất thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở trên thị trường và do các chủ đầu tư dự án muốn “tối đa hóa lợi nhuận”nên đã đẩy giá làm cho giá nhà luôn có xu thế tăng, nhất là trong lúc sức mua trên thị trường sơ cấp vẫn mạnh và tỷ lệ hấp thụ của thị trường rất cao, bình quân lên đến 70-80% qua các đợt mở bán các dự án nhà ở trong năm 2020”, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TP. HCM phân tích.
Châu Anh