Trước giờ giao dịch sáng nay 5/4, những thông tin mà quý độc giả và nhà đầu tư cần lưu ý như: Công đoàn PET bị xử phạt 110 triệu đồng vì không báo cáo dự kiến giao dịch;Yeah1 tiếp tục muốn dùng thặng dư vốn cổ phần để xóa lỗ lũy kế; Lãi ròng GAB bị ‘thổi bay’ 45% sau kiểm toán.
Công đoàn PET vừa bị xử phạt 110 triệu đồng vì không báo cáo dự kiến giao dịch
Cụ thể, ngày 31/3/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) có quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công đoàn Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp dầu khí (HOSE: PET).
Theo đó, Công đoàn của PET bị phạt tiền 110 triệu đồng vì không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Cụ thể, Công đoàn PET đã thực hiện mua 266.030 cp PET và bán 490.000 cp PET trong thời gian từ ngày 05/4/2019 đến ngày 15/12/2020 nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu.
Thông tin thị trường chứng khoán trước giờ mở cửa ngày 5/4/2021 (ảnh: minh họa)
GAB bị ‘thổi bay’ 45% lãi ròng sau kiểm toán
Công ty CP Đầu tư Khai Khoáng và Quản lý Tài sản FLC (HOSE: GAB) ghi nhận lãi ròng năm 2020 sau kiểm toán chỉ còn 790 triệu đồng. Mức lợi nhuận này đã giảm 45% so với con số mà GAB đưa ra tại báo cáo tự lập.
Theo giải trình của công ty này, nguyên nhân dẫn đến khoản chênh lệch lãi ròng nói trên do Công ty phải bổ sung trích trước một số chi phí theo yêu cầu của đơn vị kiểm toán.
Cụ thể, Công ty đã điều chỉnh tăng 8% chi phí quản lý doanh nghiệp so với trước khi kiểm toán, tương đương tăng 310 triệu đồng. Đồng thời, lỗ từ hoạt động khác tăng từ 200 triệu đồng lên lỗ gần 520 triệu đồng. Qua đó, lãi ròng của GAB giảm từ 1,45 tỷ đồng xuống còn 790 triệu đồng, tương đương giảm 45% hậu kiểm toán.
Yeah1 tiếp tục muốn dùng thặng dư vốn cổ phần để xóa lỗ lũy kế
YEG vừa có công văn gửi HOSE báo cáo nguyên nhân lỗ năm 2020 và phương án khắc phục trong năm 2021. Năm 2020, YEG lỗ ròng gần 182 tỷ đồng. Trong báo cáo, YEG cũng đưa ra phương án khắc phục khoản lỗ sau thuế 2020.
Cụ thể, năm 2020, Công ty tập trung đầu tư và xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng, cơ bản đã hoàn thành để đi vào hoàn thiện và khai thác với đối tác mới từ quý 2/2021. Tại cuộc họp HĐQT gần nhất ngày 30/03/2021, HĐQT đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng ở mảng truyền thống - Digital trên 20%. Ngoài ra, HĐQT cũng đề xuất ĐHĐCĐ về việc sử dụng một phần nguồn thặng dư vốn cổ phần để xóa lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2021 trong cuộc họp thường niên sắp tới.
Licogi 16 ước lãi quý I đạt 57 tỷ đồng, gấp 4,6 lần so với cùng kỳ
Tại cuộc họp ĐHĐCD thường niên 2021 diễn ra ngày 3/4, lãnh đạo Licogi 16 (HoSE: LCG) cho biết quý I đơn vị xây dựng mục tiêu doanh thu hợp nhất 503 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 60 tỷ đồng.
Tuy nhiên, doanh thu thực tế đạt được là 470 tỷ và lợi nhuận 57 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch kinh doanh quý nhưng ghi nhận tăng 14% về doanh thu và gấp 4,6 lần về lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.
Chủ tịch CII và hai nữ lãnh đạo muốn bán hàng triệu cổ phiếu để mua nhà
Ông Lê Vũ Hoàng – Chủ tịch CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (Mã: CII) vừa đăng ký bán 1,7 triệu cổ phiếu CII trong thời gian từ 8/4 đến 7/5/2021. Phương thức giao dịch có thể là khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận. Mục đích bán ra là "để mua nhà Thủ Thiêm". Thị giá cổ phiếu CII hiện nay là khoảng 26.000 đồng/cp, tức là Chủ tịch Lê Vũ Hoàng có thể thu về khoảng 44 tỷ đồng từ việc thoái vốn.
Cùng thời gian trên, ba lãnh đạo khác của CII cũng dự định bán bớt cổ phiếu là bà Nguyễn Quỳnh Hương (Giám đốc Quản lý vốn) đăng ký bán 250.000 đơn vị, bà Nguyễn Thị Thu Trà (Giám đốc Tài chính) đăng ký bán 557.054 đơn vị và ông Nguyễn Trường Hoàng (Giám đốc Dự án) đăng ký bán 71.000 đơn vị). Bà Nguyễn Quỳnh Hương và bà Nguyễn Thị Thu Trà cùng cho biết mục đích thoái vốn là "thu xếp tài chính để mua căn hộ tại dự án CII". Ông Hoàng bán để cơ cấu lại danh mục đầu tư./.
Gia Linh (T/H)