Tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp TP.HCM chuẩn bị phục vụ tháng cao điểm Tết là 10.425,6 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.172,4 tỷ đồng.
Năm 2020 kết thúc với nhiều khó khăn cho nền kinh tế, dịch bệnh tác động đến nhiều ngành nghề và cuộc sống của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM.
Để đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 cho người dân Thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng giao Sở Tài Chính chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, UBND các quận - huyện và các đơn vị có liên quan thường xuyên theo dõi tình hình giá cả thị trường, kịp thời điều chỉnh giá phù hợp điều kiện thực tiễn và quy định đối với các mặt hàng thuộc chương trình bình ổn thị trường của TP; kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về đăng ký giá, kê khai giá.
Nguồn hàng phong phú. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Mặt khác, giao Cục Quản lý thị trường phối hợp với UBND các quận - huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm đối với hàng lậu, hàng cấm, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng…; kiểm tra, kiểm soát các tổng đại lý, đại lý phân phối hàng hóa, không để hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng đưa ra thị trường.
Đặc biệt quán triệt tiểu thương, người kinh doanh tại các chợ truyền thống cam kết không kinh doanh, buôn bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; tăng cường quản lý giá cả, chất lượng hàng hóa, kiểm tra an toàn thực phẩm, bán đúng giá niêm yết…
Sở Công Thương phối hợp Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và các tỉnh, thành lân cận tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối hàng hóa liên kết với các vùng nguyên liệu, tổ chức tiêu thụ sản phẩm, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán...
Theo Sở Công Thương TP.HCM, để chuẩn bị nguồn hàng hóa cung ứng Tết Tân Sửu 2021, các doanh nghiệp trên địa bàn đã sản xuất, dự trữ cung ứng cho hai tháng Tết là 19.679,7 tỷ đồng, trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.132,6 tỷ đồng. Riêng Tháng cao điểm phục vụ Tết (từ ngày 1-30 tháng Chạp Âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 10.425,6 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.172,4 tỷ đồng.
Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 22% – 54,5% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm 7.488,2 tấn (chiếm 54,5%), trứng gia cầm 67,9 triệu quả (47%), thực phẩm chế biến 1.051,8 tấn (28,1%), thịt gia súc 5.594,4 tấn (21%), dầu ăn 1.671,8 tấn (27,5%), gạo 3.943,2 tấn (31,5%)...
Anh Thư