Ngày 20/1, Bộ trưởng Bộ Thương mại Anh Liz Truss cho biết nước này sẽ sớm nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Bộ trưởng Bộ Thương mại Anh Liz Truss. Ảnh TTXVN
Phát biểu tại hội nghị của hãng City&Financial Global, Bộ trưởng Truss tuyên bố: “Chúng tôi sẽ sớm đưa ra đề nghị chính thức gia nhập khu vực thương mại tự do này" và gọi đây là “một trong những khu vực thương mại năng động nhất thế giới”.
Ngoài Anh, gần đây, Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đã bày tỏ quan tâm tới việc gia nhập CPTPP.
Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI) ngày 19/1 đã công bố báo cáo "Môi trường thương mại quốc tế thời đại Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden và chiến lược ứng phó của Hàn Quốc". KDI chỉ ra rằng Hàn Quốc cần gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài rút từ thị trường Trung Quốc.
KDI cho biết Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden không bày tỏ lập trường cụ thể về chính sách thương mại với Trung Quốc, song dự kiến sẽ nhấn mạnh vào thương mại công bằng. KDI đề xuất chiến lược thương mại của Hàn Quốc cần ưu tiên gia nhập Hiệp định CPTPP và phải gia nhập trước Trung Quốc, đồng thời cân nhắc đến phương án thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi thị trường Trung Quốc do xung đột Mỹ-Trung.
Nhật Bản, quốc gia vừa tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên của CPTPP từ Mexico trong năm nay, dự kiến sẽ dẫn dắt các cuộc đàm phán để mở rộng số thành viên của nhóm. Các quan chức Nhật Bản vẫn đang quan sát chặt chẽ việc liệu Mỹ có quay trở lại hiệp định này dưới thời chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Joe Biden hay không.
CPTPP gồm 11 nước thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiệp định này được các nước ký kết vào tháng 12/2018 sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - hiệp định tiền thân của CPTPP vào năm 2017.
Trung Anh (t/h)