Năm 2020 những ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn đối với ngành bán lẻ, đặc biệt trong các ngành dịch vụ ăn uống, lưu trú, nghỉ dưỡng. Muốn duy trì, phát triển các nhà bán lẻ phải thích ứng với hai thay đổi đáng kể trong xu hướng tiêu dùng: tiêu dùng an toàn và tăng cường mua sắm qua nền tảng thương mại điện tử. Chuyển đổi sang bán hàng đa kênh, online có lẽ là "lối thoát" của nhà bán lẻ
Xu hướng tiêu dùng thay đổi
Theo số liệu thống kê trên 10.000 nhà bán hàng tham gia khảo sát thường niên của Công ty cổ phần Công nghệ Sapo cho thấy: Năm 2020 là một năm khó khăn đối với những nhà bán hàng, đặc biệt trong các ngành dịch vụ ăn uống, lưu trú, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, những nỗ lực và sự thay đổi nhanh chóng, kịp thời của những nhà bán hàng đã mang lại kết quả khả quan vào cuối năm, vực dậy một năm kinh doanh nhiều chướng ngại vật.
Cụ thể, theo thống kê, 69% cửa hàng bán lẻ trực tiếp, 76% nhà hàng, quán cafe và 59% cửa hàng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử bị giảm doanh thu hoặc chỉ duy trì doanh thu ở mức tương đương năm 2019. Nguyên nhân của sự sụt giảm được cho là do tác động mạnh của dịch COVID-19, thiên tai, bão lũ gây ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu và hành vi mua sắm của người tiêu dùng.
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm về sức khỏe, những đặc điểm tác động của dịch COVID-19 tạo ra hai thay đổi đáng kể trong xu hướng tiêu dùng: tiêu dùng an toàn và tăng cường mua sắm qua nền tảng thương mại điện tử. Hai xu hướng tiêu dùng này đang trở thành thói quen của người tiêu dùng Việt Nam và sâu sắc hơn, nó có thể dẫn đến những thay đổi vĩnh viễn trong thế giới tiêu dùng hậu Covid.
Khi hành vi mua sắm của người dùng dịch chuyển theo hướng tối thiểu hóa việc mua sắm tại các điểm bán hàng truyền thống, tăng tần suất giao dịch trực tuyến cũng chính là thời điểm các doanh nghiệp bán lẻ kiểm định lại sở thích và thói quen người tiêu dùng, từ đó cân nhắc chiến lược kênh bán hàng phù hợp nếu không muốn đối diện với bờ vực phá sản.
Bán hàng đa kênh, online - Lối thoát cho doanh nghiệp bán lẻ
Hành vi mua sắm của người dùng dịch chuyển theo hướng tối thiểu hóa việc mua sắm tại các điểm bán hàng truyền thống, tăng tần suất giao dịch trực tuyến
Chia sẻ về thay đổi ngành bán lẻ tại thị trường Việt Nam sau đại dịch, ông Vũ Ðức Nguyên, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam phụ trách ngành hàng tiêu dùng, chia sẻ với báo chí: Khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, người tiêu dùng ngay lập tức thay đổi các ưu tiên trong thói quen tiêu dùng: từ “thuận tiện” sang “an toàn”, từ “cân nhắc về giá cả” sang “tình trạng có sẵn của hàng hóa”, từ “mong muốn” sang “nhu cầu thiết yếu”.
“Với các ưu tiên thay đổi, khách hàng tìm mua các sản phẩm ở tất cả các kênh bán hàng. Vì vậy, các doanh nghiệp bán lẻ có thể tận dụng đại dịch này như một cơ hội, biến nguy thành cơ, nhanh chóng mở rộng và tăng cường bán hàng đa kênh”, ông Nguyên nói.
Mô hình đa kênh (omnichannel) bao gồm các kênh online (website, Facebook, Zalo…) và các kênh offline (trực tiếp tại các cửa hàng, đại lý…) được tích hợp đồng bộ vào một hệ thống, giúp thương hiệu tương tác với người tiêu dùng mọi lúc mọi nơi, trên mọi thiết bị công nghệ và nền tảng để hành trình mua sắm của người tiêu dùng không bị gián đoạn.
Ngược lại, quyết định mua hàng hoặc sự hài lòng của người tiêu dùng càng mãnh liệt hơn sau mỗi lần chuyển kênh.
Theo Deloitte Việt Nam, mua hàng đa kênh trở nên phổ biến hơn là hệ quả trực tiếp từ sự bùng phát dịch bệnh Covid-19, khi người tiêu dùng tìm kiếm dự trữ hàng tạp hóa và nhu yếu phẩm hàng ngày. Các nhà bán lẻ nên tận dụng động lực này để thúc đẩy mở rộng và tăng tỷ lệ thâm nhập khi chúng ta bước vào thế giới hậu Covid-19.
Cùng quan điểm, Công ty CB Richard Ellis Việt Nam (CBRE) nhận định, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến lưu lượng khách trực tiếp, nhưng đồng thời tạo ra nhiều cơ hội để tăng trưởng tích cực cho các mô hình vừa và nhỏ như cửa hàng tiện lợi, nhà thuốc và đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử. Thương mại điện tử là một điểm sáng và đang biến đổi để hỗ trợ các cửa hàng vật lý trong thời gian dịch bệnh diễn ra. Bán hàng đa kênh sẽ linh hoạt hơn và thậm chí có thể vượt trội hơn sau dịch.
Còn theo nhận định của Sapo, 6 tháng cuối năm 2020 với những gam màu sáng hơn, là bước đệm tốt chuẩn bị cho năm 2021 nhiều bứt phá. Biết tận dụng thế mạnh của từng kênh, kết hợp với công nghệ tiết kiệm nguồn lực, tối ưu hiệu quả kinh doanh, các cửa hàng và doanh nghiệp sẽ có bước chạy đà vững chắc để tăng trưởng trong những năm sắp tới.
Bà Lê Thị Dung, Giám đốc Tăng trưởng của Sapo đánh giá, trong hoạt động sản xuất kinh doanh thì điểm khác biệt lớn nhất của năm 2020 so với 2018 và 2019 chính là nằm ở kênh bán hàng. Nhằm vượt qua biến động lớn của thị trường do ảnh hưởng từ COVID-19, nhiều nhà bán hàng chọn giải pháp bắt đầu bán hàng online hoặc đẩy mạnh kinh doanh trên các trang thương mại điện tử.
Nhằm đối phó với dịch bệnh, các mô hình kinh doanh truyền thống đều đẩy mạnh kênh bán hàng online hơn trước. Gần 24% nhà bán lẻ chuyển đổi hoàn toàn từ bán hàng truyền thống sang bán hàng online, nhờ vậy 56% trong số họ đã có sự hồi phục kinh doanh đạt hoặc vượt mức doanh thu của thời điểm trước khi diễn ra COVID-19. Cùng với đó, mô hình bán hàng đa kênh thể hiện ưu thế trong mùa dịch, có tới 24,1% nhà bán hàng đa kênh trên sàn thương mại điện tử, Facebook và Website ghi nhận có tăng trưởng doanh thu trong và sau dịch bệnh.
“Bước sang năm 2021, dự đoán xu hướng lớn nhất của các nhà bán lẻ chính là chuyển đổi mạnh mẽ sang bán hàng đa kênh, đẩy mạnh bán hàng online bên cạnh tối ưu hóa kênh bán hàng truyền thống. Không chỉ đầu tư cho kênh bán hàng, nhà bán lẻ cần tập trung phân bổ ngân sách marketing, tiếp thị, quảng cáo để đáp ứng được tiêu chí hiệu quả cao - chi phí phù hợp”, bà Dung nhấn mạnh.
Theo số liệu 2019, kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử chỉ xếp vị trí thứ 4 trong danh sách các kênh bán hiệu quả. Năm 2020, kênh này đã vươn lên chiếm vị trí số 1 mà trước đó vị trí này là của Facebook.
Tuy vậy, quảng cáo Facebook vẫn là hình thức được đầu tư nhiều chi phí nhất mặc dù nhiều chủ cửa hàng bị khóa tài khoản hoặc không sử dụng được mẫu quảng cáo mới; Xếp ngay sau đó là quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội mới (Tiktok, Zalo) và quảng cáo trên sàn thương mại điện tử.
Liên quan đến sự phát triển của bán hàng đa kênh, online, 2 hình thức thanh toán quen thuộc là tiền mặt và chuyển khoản ngân hàng, hình thức QR code phát triển mạnh mẽ, tăng từ top 6 (năm 2019) lên top 3 với 12,7% cửa hàng thường xuyên sử dụng. Lý do tăng trưởng chính là sự tham gia thị trường của các Kỳ Lân tài chính với nhiều ưu đãi lớn cho người tiêu dùng và chủ cửa hàng, cũng như mức độ tiện lợi trong sử dụng và đối soát của thanh toán không tiền mặt.
Đinh Hiệu