Nhiều diện tích rừng tự nhiên ở Đắk Lắk bị lâm tặc ngang nhiên tàn phá trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu mặc dù chủ quản lý rừng nói vẫn đi kiểm tra thường xuyên.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, phóng viên Thương Trường nhận được thông tin từ người dân huyện Ea Hleo (Đắk Lắk) về việc nhiều hecta rừng tự nhiên ở xã Ea Sol do Công ty TNHH HTV Lâm nghiệp Ea Hleo bị tàn phá ‘khủng khiếp’.
Nhận được thông tin, nhóm PV vượt quãng đường hơn 100km từ TP Buôn Ma Thuột đến xã Ea Sol (huyện Ea H’leo) để tìm hiểu vụ việc.
Con đường mòn vào khu vực rừng bị tàn phá.
 |
Công an huyện Krông Bông Đắk Lắk bắt giữ và làm rõ 9 đối tượng trực tiếp tham gia khai thác vận chuyển trái phép gỗ pơ-mu quý hiếm thuộc nhóm IIA tại khu vực Núi Voi Kéo thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Bông quản lý
|
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đi bộ dọc con đường mòn rộng gần 1m lởm chởm đất đá, sườn dốc thẳng đứng, băng qua những khe suối và vượt qua những cánh rừng để đến địa điểm khu vực rừng bị tàn phá.
Hành trình thâm nhập rừng tự nhiên bị tàn phá "khủng khiếp" ở Đắk Lắk
Sau gần 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã đến tại khu vực khoảnh 3, tiểu khu 64. Điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là hàng loạt cây to cao hơn 3m, đường kính 20-50cm bị nhóm lâm tặc “xẻ thịt” nằm la liệt giữa rừng.
Những cây gỗ nhiều năm tuổi bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc.
Theo ghi nhận, các cây bị lâm tặc quật ngã, cành lá còn xanh, gốc cây vẫn đang rỉ nhựa, vết mùn cưa còn mới tinh. Trên nền đất, nhiều cây to, chiều dài từ khoảng 3-8m nằm san sát và chồng chất lên nhau, đếm mãi không xuể. Đáng chú ý, tại khu vực rừng này đều có biển báo cấm chặt phá rừng, tuy nhiên nhóm lâm tặc vẫn ra tay không thương tiếc với những cây hàng chục năm tuổi.
Một người dân cho biết: “Khu vực rừng vừa bị đốn hạ nằm rất sâu và giáp ranh với tỉnh Gia Lai. Do đó, việc lâm tặc đột nhập vào rừng này để ‘xẻ thịt’ các cây to để mang gỗ rừng về khó bị phát hiện. Tôi đi lấy lan rừng, nên cũng thường xuyên vào khu vực rừng Ea Sol này, đây cũng là lần đầu tiên tôi thấy được cảnh tượng phá rừng khủng khiếp đến thế…”
Đi tìm lời giải cho việc “rừng tự nhiên bị tàn phá”
Khi mặt trời vừa lặn xuống núi, nhóm phóng viên chúng tôi vượt quãng đường ngược lại để ra khỏi khu vực rừng.
Ngày 22/2, chúng tôi đến gặp ông Lê Thanh Khánh – Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Ea Hleo để trình bày sự việc vừa được "mắt thấy tai nghe".
Ông Khánh cho biết, đã nắm được sự việc và vừa nhận báo cáo về việc phá rừng tại xã Ea Sol do Công ty TNHH HTV Lâm nghiệp Ea Hleo quản lý. “Đơn vị vừa nhận được báo cáo của công ty. Có 2 điểm phá rừng tại xã Ea Sol. Hiện, đơn vị cũng đã báo cáo sự việc đến lãnh đạo huyện và đề nghị Công an, Viện kiểm sát vào cuộc để giám định, xử lý theo quy định”.
Phóng viên làm việc với lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện Ea Hleo.
Ông Khánh nói thêm, năm 2020 trên địa bàn huyện có 90 vụ vận chuyển lâm sản, phá rừng… trong đó, có 3 vụ đã khởi tố hình sự.
“Việc rừng ở xã Ea Sol bị phá, là do các đối tượng lợi dụng thời điểm Tết Nguyên đán rồi vào rừng đốn hạ cây. Đây cũng là lần đầu tiên có vụ phá rừng quy mô lớn từ khi tôi nhận nhiệm vụ làm Hạt trưởng. Sau thời gian này, chúng tôi cũng sẽ triển khai các công tác cần thiết để bảo vệ bằng được những cánh rừng nằm trong khu vực quản lý”, ông Khánh nói.
Công ty THHH HTV Lâm nghiệp Ea Hleo là đơn vị quản lý khu vực rừng vừa bị tàn phá
Liên quan đến vụ việc phá rừng ở xã Ea Sol do Công ty TNHH HTV Lâm nghiệp Ea Hleo quản lý, ông Nguyễn Công Hùng – Giám đốc công ty này xác nhận, có 2 khu vực rừng tự nhiên ở xã trên bị phá.
Khu vực ở lô 15 khoảnh 3, tiểu khu 64 và khu vực lô 3, khoảnh 1, tiểu khu 68. Đa phần các loại cây bị tàn phá là các loại gỗ như: cày, trâm và nhiều loại gỗ tạp khác.
“Vào ngày mùng 4 Tết, đơn vị thực hiện việc đi kiểm tra rừng tại xã Ea Sol thì phát hiện vụ việc trên. Đáng nói, các điểm có những cây to và chúng tôi nghi ngờ bị lâm tặc tàn phá thì lại không hề xảy ra. Hai điểm vừa bị tàn phá thì do địa hình xa và giáp ranh khu vực Gia Lai nên việc di chuyển gặp rất nhiều khó khăn cho lực lượng. Do đó, việc tiếp cận khu vực này để kiểm soát tình hình trong thời gian Tết gặp nhiều trở ngại, khi chúng tôi đến khu vực này thì phát hiện 2 tiểu khu trên rừng bị tàn phá và nhanh chóng báo cáo với lãnh đạo Hạt kiểm lâm”, ông Hùng nói.
Nói về trách nhiệm để xảy ra sự việc trên, ông Hùng bày tỏ: “Thật sự mà nói, chúng tôi đã làm hết mình, hết trách nhiệm, tuy nhiên khu vực gần ở Gia Lai có nhiều hộ dân sinh sống dưới chân núi (gần khu vực rừng bị tàn phá_PV) thì rất khó kiểm soát. Lực lượng túc trực ít nên dẫn đến sự việc trên. Trước hết, tôi là người đứng đầu sẽ nhận trách nhiệm và cũng sẽ cố gắng để thực hiện công tác bảo về rừng được giao. Về vụ việc xảy ra, chúng tôi đã làm báo cáo để cơ quan chức năng xử lý”.
Tạp chí Thương Trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
THANH HẢI