Đến thời điểm hiện tại có một số ngân hàng đã lên lịch đại hội đồng cổ đông năm 2021 (ĐHĐCĐ). Ngoài việc bàn đến nội dung liên quan đến kinh doanh trong năm thì đại hội cũng dự kiến kiến toàn nhân sự cao cấp.
ĐHĐCĐ ngành ngân hàng năm 2021 tiếp tục kiện toàn nhân sự cấp cao
PG Bank là nhà băng đầu tiên lên lịch ĐHĐCĐ năm 2021, PG Bank dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021 vào ngày 9/3/2021 tại Hà Nội.
Nội dung dự kiến được họp bàn tại ĐHĐCĐ năm 2021 này của PG Bank liên quan đến kinh doanh 2021. Đồng thời, kiện toàn nhân sự Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025.
Trước đó, PG Bank đã bổ nhiệm ông Nguyễn Phi Hùng làm Quyền Tổng giám đốc kể từ ngày 2/11/2020. Tại thời điểm đó, ông Hùng giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB).
Thông tin từ MSB, nhà băng này sẽ chốt danh sách cổ đông hưởng quyền tham dự ĐHĐCĐ năm 2021 vào ngày hôm nay 22/2. ĐHĐCĐ năm 2021 của MSB dự kiến diễn ra vào ngày 24/3/2021 tại 54A Nguyễn Chí Thanh, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội.
Vừa qua, MSB đã lên kế hoạch mục tiêu đến năm 2024, tổng tài sản đạt hơn 340.400 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng kép gần 17%/năm cho giai đoạn 2019 - 2024; Lợi nhuận trước thuế đạt gần 6.800 tỷ đồng, tăng trưởng kép (CAGR) ở mức xấp xỉ 30%/năm cho giai đoạn 2019 - 2024.
MSB dự kiến trả cổ tức tối thiểu 15% cho cổ đông sau khi được thông qua trong ĐHĐCĐ năm 2021.
Còn tại BIDV, theo kế hoạch nhà băng này sẽ tổ chức ĐHĐCĐ năm 2021 vào ngày 12/3/2021, địa điểm tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, 773 đường Hồng Hà, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Bên cạnh trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021, BIDV dự kiến sẽ thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2021 và bầu bổ sung thành viên HĐQT, thành viên BKS nhiệm kỳ 2017-2022 tại ĐHĐCĐ năm 2021 này. Đồng thời, ngân hàng cũng sẽ trình cổ đông về việc chuyển đổi chi nhánh Yangon thành ngân hàng con.
Năm 2020, lợi nhuận trước thuế của BIDV đạt 9.214 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2019; lãi sau thuế đạt 7.362 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 1,51 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 8,7% đạt hơn 1,21 triệu tỷ. Tiền gửi khách hàng tăng 10,1% đạt hơn 1,22 triệu tỷ.
Nợ xấu cuối năm 2020 của BIDV là 21.342 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cuối năm 2019. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng nhẹ từ 1,75% lên 1,76%.
Một nhà băng khác cũng vừa có thông tin liên quan đến ĐHĐCĐ, đó là Ngân hàng Á Châu (ACB). Theo đó, ACB sẽ chốt danh sách cổ đông hưởng quyền tham dự ĐHĐCĐ năm 2021 vào ngày 5/3. Đại hội dự kiến diễn ra vào ngày 6/4/2021 tại khách sạn Sheraton, TP.HCM. Tuy nhiên, nội dung cuộc họp ĐHĐCĐ năm 2021 chưa được ACB công bố.
Năm 2020, lợi nhuận hợp nhất trước thuế ACB đạt gần 9.600 tỷ đồng, tăng 27,7% so với năm trước. Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản ACB đạt mức 444.530 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cuối năm 2019. Tiền gửi khách hàng tăng 14,6% lên 353.196 tỷ đồng.
Kết thúc tháng 12, số dư nợ xấu nội bảng của ngân hàng ở mức 1.840 tỷ đồng, tăng 27%, trong khi dư nợ cho vay khách hàng tăng 15,9% với 311.479 tỷ đồng. Qua đó, kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,54% lên 0,59%.
Minh Nguyễn