Vỉa hè Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa, Tp Hà Nội) sau khi công trình đã hoàn thiện, khang trang, một phần vỉa hè của tuyến phố này đã bị biến thành bãi đỗ xe, gây khó khăn cho người đi bộ.
Năm 2020, vỉa hè hàng loạt các tuyến phố trong nội thành thành phố Hà Nội được chỉnh trang, lát bằng đá tự nhiên, vườn hoa, tiểu cảnh khang trang, sạch sẽ với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng.
Trên nhiều tuyến phố như Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Thúc Kháng, Quang Trung… vỉa hè được lát đá tự nhiên, nhưng vẫn cấp phép trông giữ hàng trăm phương tiện ô tô, xe máy. Đáng chú ý, trên tuyến phố Huỳnh Thúc Kháng, thậm chí nền móng lát đá vỉa hè chưa ráo nước, hàng chục chiếc ô tô đã được đưa vào bãi đỗ.
Theo ghi nhận của PV Thương Trường ngày 28/12/2020, đoạn vỉa hè trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng (trước cổng Chi cục Văn thư lưu trữ vừa được cải tạo khang trang bằng đá tự nhiên và được trang trí thêm vườn hoa hai bên. Tuy nhiên, hàng ngày vườn hoa hai bên vỉa hè bị hàng chục chiếc ô tô dừng đỗ. Còn vỉa hè được lát bằng đá tự nhiên ở khu vực này bị ô tô đỗ kín không còn lối đi, nhiều người phải len lỏi qua các dãy xe ô tô hoặc phải đi bộ dưới lòng đường.
Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận thực tế của PV sáng ngày 28/12/2020 dọc tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng:
Tuyến phố Huỳnh Thúc Kháng vừa thực hiện xong việc lát vỉa hè bằng đá tự nhiên, tuy nhiên, một phần vỉa hè của tuyến phố này lại bị biến thành bãi đỗ xe.
Hàng dài xe ô tô nối đuôi nhau đỗ trên vỉa hè, chiếm lấy không gian đi bộ của người dân.
Trước cổng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam các công nhân đang dần hoàn thiện vỉa hè, lối đi.
Việc đỗ ô tô gây ảnh hưởng đến chất lượng của đá lát vỉa hè.
Được biết, UBND quận Ba Đình cấp giấy phép cho công ty TNHH một thành viên khai thác điểm đỗ xe Hà Nội.
Thời gian gần đây, nhiều tuyến phố được lát đá vỉa hè sau khi sử dụng thời gian ngắn đã hư hỏng. Một trong những nguyên nhân được nêu ra là do lượng xe cộ đi lại trên vỉa hè lớn, ảnh hưởng đến tuổi thọ của đá.
Những chiếc ô tô "chễm trệ" đỗ trên vỉa hè vừa lát.
Theo ghi nhận của phóng viên, các bãi xe dọc tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng đỗ tràn lan, không ra hàng lối, thậm chí có đoạn vỉa hè đỗ hàng hai, hàng ba, lấn cả vào vườn hoa.
Theo thiết kế trước đó, đoạn vỉa hè trên tuyến phố Huỳnh Thúc Kháng (trước cổng Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội và Chi cục Văn thư lưu trữ) chỉ dành cho người đi bộ. Vì vậy, một đầu vỉa hè đã được lực lượng chức năng làm rào chắn bằng thép kiên cố.
Người dân ở đây cho biết, việc lát đã vỉa hè để dành cho người đi bộ cũng như diện mạo thành phố thế nhưng lại là bến đỗ xe khiến người không có chỗ đi mà đi bộ dưới lòng đường.
Vườn hoa, tiểu cảnh được trồng nhiều cây tạo cảnh quan xanh.
Với những bãi xe nằm trên đá tự nhiên trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng hiện nay, khiến nhân dân trong khu vực lo ngại tình trạng hỏng hóc sớm xảy ra.
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm. Chủ trương chỉnh trang vỉa hè của TP Hà Nội nhằm tạo diện mạo khang trang, sạch đẹp, phục vụ đời sống nhân dân Thủ đô. Tuy nhiên, tất cả người dân đều quan tâm đến chất lượng và mục đích sử dụng để tránh sự tốn kém, lãng phí.
Đông Thái