Những thương hiệu xe sang, đẳng cấp lại vừa “ăn mừng” một năm 2020 thành công và khởi sắc bất chấp những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đến nền kinh tế toàn cầu.
Năm 2020, ngành xe hơi chứng kiến những sự sụt giảm doanh số cũng như thất bại nặng nề do dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, thương hiệu xe sang Bentley lại “ăn mừng” một năm 2020 thành công và khởi sắc.
Theo số liệu mới nhất vừa được công bố đầu tháng 1/2021, trong năm 2020, hãng sản xuất ô tô siêu sang Bentley Motor đã đạt doanh số kỷ lục về các dòng xe sedan và SUV cao cấp.
Hãng xe 101 tuổi thuộc sở hữu của Tập đoàn Volkswagen đã bán được tới 11.206 xe trong năm 2020, tăng cao so với năm 2019 (11.006 xe) dù phải đóng cửa nhà máy tại Anh suốt 7 tuần khi cao điểm dịch Covid-19 bùng phát vào mùa xuân 2020.
Điều này tạo nên nhiều sự bất ngờ khi các dòng xe của Bentley lại là những loại xe hiếm và đắt đỏ nhất thế giới. Một số mẫu xe SUV rẻ như Bentayga có giá khởi điểm khoảng 180.000 USD trong khi một số mẫu đắt nhất như Mulliner Bacalar có giá khoảng 2 triệu USD.
Ảnh minh họa
Sự phát triển mạnh mẽ này có được là nhờ một số thị trường chính của Bentley vẫn nhộn nhịp bất chấp dịch bệnh Covid-19 hoành hành. Trong đó, Mỹ tiếp tục đứng vị trí thị trường hàng đầu của Bentley trong năm 2020 với doanh số tăng 4,2%.
Nhưng nói đến yếu tố mấu chốt làm nên thành công vượt bậc của Bentley, phải kể đến thị trường Trung Quốc. Nơi đây chứng kiến doanh số Bentley tăng vọt tới 48,5%. Chỉ riêng 2 thị trường Mỹ và Trung Quốc đã chiếm 53% tổng doanh số Bentley trong năm 2020, theo thống kê của hãng.
Nhờ kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế Trung Quốc đã sớm hồi phục và nhu cầu mua sắm của những đại gia nước này vẫn không bị tác động nhiều. Ngoài Bentley, trong phân khúc xe hạng sang còn rất nhiều sản xuất ô tô sang khác như Mercedes, Porches… cũng đạt lượng xe bán ra cao hơn năm ngoái.
Lý giải về sự chịu chơi của khách hàng Trung Quốc bất kể dịch bệnh, nhiều chuyên gia trong ngành như ông Jens Puttfarcken, Chủ tịch, Giám đốc điều hành (CEO) Porsche Trung Quốc cho rằng, đó là nhờ phân khúc khách hàng trẻ tuổi, sẵn tiền và không ngại chi đang ngày một tăng cao.
“Tuổi trung bình của khách hàng tại Trung Quốc là khoảng 35, trẻ hơn nhiều so với đa phần khách hàng tại Mỹ hoặc Đức. Họ sống trong thời đại điện tử nên có thiên hướng sáng tạo, điện tử hoá cao hơn. Bên cạnh đó, các đối tượng khách hàng Trung Quốc có mức độ cân bằng giới khá hoàn hảo (50-50). Trong khi tại châu Âu và Mỹ, đa phần khách hàng lại là nam. Khách hàng tại đây sẵn sàng chịu chi cho những mẫu xe độc và lạ hơn”, ông Jens nhận định.
Đáng chú ý nhất là sự nổi lên của nhóm khách nữ giới. Ngày càng có nhiều khách hàng nữ ở Trung Quốc sở hữu địa vị cao, kiếm tiền ngang với nam giới và tự chủ nên không ngại chi tiền cho những món hàng sang trọng, đẳng cấp và độc nhất để thể hiện vị thế của mình.
Mặt khác, sự phát triển này có được cũng là nhờ các hãng ô tô đẳng cấp bắt đầu thay đổi cách kích thích nhu cầu khách hàng. Họ chú trọng vào cải thiện trải nghiệm, tạo cho khách cảm giác về sự sang trọng và độc nhất riêng họ mới có thay vì chỉ tập trung vào sản phẩm như trước kia.
Điển hình, hãng Maserati (Italy) phối hợp với một số đại lý thành lập các chuỗi dịch vụ đặc biệt dành riêng cho chủ xe và khách hàng tiềm năng như CLB VIP Maserati.
Tại đây khách hàng được hưởng các dịch vụ bảo trì chuyên nghiệp, giao hàng tận cửa, đưa đón tại sân bay, dịch vụ sử dụng xe, vận chuyển trên 30 thành phố toàn quốc cùng một số đặc quyền sử dụng các khách sạn hạng sang dành riêng cho những người yêu xe Maserati vừa muốn trải nghiệm ô tô vừa nghỉ dưỡng tuyệt vời bên gia đình và bạn bè.
Một vài hãng lại khai thác vào nhu cầu đầu tư của khách hàng như chương trình Ferrari Greater China. Khách hàng sở hữu ô tô của Ferrari sẽ được chứng nhận là một Classiche và được phép đầu tư với lãi suất rất cao. Qua đó, khách vừa mua xe lại vừa có thêm cơ hội kiếm tiền.
Anh Thư