Ngày 21/1, Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM (AGTEX) đã long trọng tổ chức lễ giỗ tổ ngành dệt may với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp hội viên cùng nhau hướng về các bậc tiền nhân đã có công khai sáng, truyền bá ngành dệt may - nghề truyền thống đã và đang là nguồn sống của hàng chục vạn doanh nghiệp và hàng triệu lao động trên khắp mọi miền đất nước.
Ban chấp hành Hội dệt may -Thêu đan TPHCM tiến hành nghi thức Giỗ Tổ. Ảnh C.A
Tại buổi lễ, lãnh đạo Hội Dệt may- Thêu đan TPHCM đã đọc diễn văn nhắc lại công ơn của các vị Sư tổ trong ngành dệt may. Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may – Thuê đan TPHCM, bà Nguyễn Thị Sen, người có công khai sáng nghề may nước ta từ thời vua Đinh Tiên Hoàng năm 968; Ngài Võ Diễn quê Quảng Nam, người gầy dựng nghề dệt thủ công từ bao đời nay. Với truyền thống, đạo lý “Cây có cội, nước có nguồn”, các doanh nghiệp hội viên ngành dệt may thêu đan tại TP.HCM luôn tôn kính và nhớ ơn tiên Tổ, cầu xin tiên Tổ luôn độ trì phù hộ cho các doanh nghiệp trong ngành làm ăn hanh thông, gặp nhiều may mắn, vững bước thành công, góp phần cho ngành dệt may phát triển.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho rằng lễ giỗ tổ ngành dệt may là hoạt động có ý nghĩa thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo vốn có của người Việt Nam
Theo ông Nguyễn Phương Đông, năm 2020 dưới tác động của dịch Covid-19, dệt may là một trong những ngành hàng chịu thiệt hại lớn nhất. Tình hình sản xuất, xuất khẩu của ngành gặp nhiều khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt 35 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2019. Tuy nhiên đây là kết quả khả quan trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm 25%. Kết quả này là nỗ lực đáng ghi nhận của toàn ngành. Các doanh nghiệp dệt may đã nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh, kịp thời chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, đảm bảo việc làm, ổn định thu nhập cho hàng triệu người lao động.
Đặc biệt, lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM ghi nhận và biểu dương sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp dệt may đã chung tay với chính quyền thành phố trong công tác chống dịch Covid -19, đảm bảo bình ổn nguồn cung khẩu trang vải kháng khuẩn cho người dân trên địa bàn thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Đồng thời đây là các mặt hàng xuất khẩu quan trọng đảm bảo việc làm cho người lao động.
“Trong đó, Hội dệt may – Thêu đan TPHCM đã đóng vai trò cầu nối giữa nhà nước và các doanh nghiệp hội viên, là nền tảng quan trọng tạo sự đồng thuận, lan toả kịp thời tinh thần chỉ đạo, các chính sách của nhà nước, chính quyền thành phố đến doanh nghiệp. Đồng thời, Hội Dệt may – Thêu đan cũng là một kênh quan trọng để các ban, ngành thành phố có cơ hội trao đổi, đánh giá trong quá trình tham mưu xây dựng, hoàn thiện chính sách đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang bước vào trạng thái bình thường mới với nhiều khó khăn và thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp”, lãnh đạo Sở Công Thương nhìn nhận.
Châu Anh