Làng nghề Phạm Pháo, xã Hải Minh (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) nổi tiếng với nghề sản xuất và sửa chữa những chiếc kèn tây cũng là nơi hiếm hoi ở Việt Nam sản xuất và sửa chữa loại nhạc cụ này. Đây được xem là nơi còn duy trì nghề sửa kèn đồng duy nhất của cả nước.
Làng Phạm Pháo thuộc Giáo xứ Phạm Pháo, xã Hải Minh (huyện Hả Hậu, tỉnh Nam Định) có khoảng 50% dân số theo đạo Công giáo. Từ lâu, chiếc kèn đồng gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người dân nơi đây.
Trước năm 1945, làng Phạm Pháo (xã Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định) đã có đội kèn Tây phục vụ các hoạt động tôn giáo. Việc có các đội kèn dẫn đến nhu cầu sửa chữa nhạc cụ lúc hư hỏng. Người dân Phạm Pháo ngoài tìm hiểu để sửa chữa còn tự làm ra những cây kèn đồng.
Đồng bào Công giáo nơi đây không chỉ là những người thợ mà còn là người chơi nhạc tài ba. Sửa chữa kèn đồng sớm trở thành nghề truyền thống ở địa phương, góp phần tạo nên một vùng đạo bách nghệ tinh thông.
Nghệ nhân sửa chữa kèn đồng Nguyễn Văn Cường (65 tuổi) được xem là người có thâm niên với nghề nhất ở làng Phạm Pháo, với hơn 50 năm gắn bó với nghề làm, sửa kèn đồng.
Theo ông Cường, ban đầu người dân trong làng thường chế tạo mới những chiếc kèn để bán cho các xứ đạo quanh vùng. Việc làm kèn chủ yếu là chế tác thủ công, tất cả các khâu từ lên khuôn, làm những chi tiết lớn, nhỏ, tinh xảo đến việc đánh bóng, tạo âm... Các công đoạn chế tác đều do người thợ tự nghiên cứu nhưng chất lượng của những chiếc kèn luôn được đánh giá cao.
Ông Cường cho biết thêm việc làm một chiếc kèn đồng theo phương pháp thủ công. Gò loa kèn phải dùng búa nhỏ (thường gọi búa cuốc) gõ đều từng nhát một. Khó khăn nhất là chế tác bộ pháo của kèn. Đây là bộ phận xử lý âm, là trái tim của cây kèn. Khi chế tác quả pháo phải dùng các loại khoan nhỏ rất tinh vi. Không chỉ trình độ cơ khí, người chế tác kèn phải có đôi tai thẩm âm chuẩn.
"Đây là điều kỳ lạ ở Phạm Pháo vì những người thợ gốc gác nông dân nơi đây đều không qua một trường lớp về âm nhạc hay sản xuất nhạc cụ nào", ông Cường nói.
Chiếc kèn có rất nhiều chi tiết song quan trọng nhất là bộ phím kèn phải làm cho kín và trơn tru, dễ bấm. Để làm được chi tiết này, người thợ không chỉ cần kinh nghiệm, đôi tay khéo léo mà phải có độ thẩm âm tinh tế thì âm kèn mới chuẩn.
Gia đình ông đã có 4 đời làm nghề sửa chữa kèn đồng. Hiện gia đình chỉ nhận làm mới những loại kèn to, khó tìm kiếm trên thị trường, còn công việc chủ yếu vẫn là sửa chữa kèn.
Ngoài làm những cây kèn mới, nơi đây còn sửa chữa các loại kèn đủ chủng loại từ khắp các địa phương gửi về. Những cây kèn khi đến tay thợ sẽ được vệ sinh cho mới, hàn lại những mối đã bong hoặc bị ôxi hóa.
Các hộ gia đình ở Phạm Pháo cũng nhập những chiếc kèn của các nước khác về bán lại.
Nghề sửa chữa kèn đồng thường được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cùng một gia đình, dòng họ. Bởi vậy, trở thành nghề truyền thống, nghề cha truyền con nối ở đây.
Mỗi chiếc kèn tạo ra âm thanh trầm bổng khác nhau, trong một đội kèn ở Phạm Phá từ 30-40 thành viên để tạo nên một bản nhạc hoàn chỉnh. Trong những ngày đại lễ tại Phạm Pháo như tuần chầu giáo xứ, hay lễ Giáng sinh, Phục sinh... đội kèn Hợp nhất có thể hòa tấu với 500 nhạc cụ. Thường niên, cứ dịp 2/9 huyện Hải Hậu lại mở hội thi, thu hút 40-50 hội kèn và thường một đội thuộc Phạm Pháo đoạt giải.
Mọi người trong gia đình ông Cường đều thành thục sửa chữa gần 20 loại kèn khác nhau như: trumpet, saxophone, bass, trombone, baritong…
Anh Nguyễn Trung Kiên (23 tuổi), được xem là người thợ trẻ nhất của làng hàng ngày vẫn kiên trì bên bàn sửa chữa kèn cho khách hàng mọi miền đất nước. Anh Kiên tâm sự, sửa kèn hay làm kèn đều không khó, cái khó là người thợ có đủ sự kiên trì và đam mê hay không.
Những năm gần đây, làng Phạm Pháo, xã Hải Minh trở thành điểm tham quan lý thú, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng những chiếc kèn với đủ mọi chủng loại, kích cỡ.
Với người dân ở làng xã Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định, tiếng kèn rất thân thuộc và nhà thờ nào cũng có đội kèn riêng. Trong tương lai, nếu duy trì tốt nghề sửa kèn đồng, có thể nơi đây sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch làng nghề của tỉnh Nam Định, mở ra triển vọng phát triển mới cho người dân Phạm Pháo.
Đông Thái