Theo tờ báo Nhật Bản Nikkei, Việt Nam sẽ hồi phục và dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế tại khu vực trong năm 2021.
Báo Nikkei Asian Review nhận định, 6 nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á sẽ có sự khác biệt lớn về tăng trưởng trong năm 2021, trong đó, kinh tế Việt Nam, Indonesia và Malaysia sẽ trở lại mức trước đại dịch, trong khi kinh tế Singapore, Philippines và Thái Lan sẽ tiếp tục phải vật lộn.
Tờ này tổng hợp dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về tổng sản phẩm trong nước (GDP) thực của từng quốc gia và đặt con số của năm 2019 làm ngưỡng cơ sở 100 điểm. Từ đó rút ra kết luận rằng kinh tế Việt Nam, Indonesia và Malaysia đều đạt mức hơn 100 điểm trong năm 2021, đồng nghĩa các nền kinh tế này sẽ hồi phục về mức trước khi Covid-19 xuất hiện vào năm 2019.
Dù vậy, cả 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á sẽ tiếp tục đối mặt những thách thức do đại dịch gây ra, cũng như một chính quyền mới sắp lên nắm quyền ở Mỹ.
Việt Nam được dự báo sẽ là nền kinh tế dẫn đầu về tăng trưởng tại khu vực trong năm tới, với chỉ số tăng trưởng như tính toán ở trên đạt 108,4 điểm. Mới đây, S&P Global dự báo kinh tế Việt Nam tăng 10,9% trong 2021, mạnh hơn bất kỳ nền kinh tế nào khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sau khi tăng 2,91% trong năm 2020.
Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong số 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đạt tăng trưởng dương trong năm nay, nhờ việc kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, Nikkei nhấn mạnh.
Ảnh minh họa
"Nhiều công ty toàn cầu đang đổ tới Việt Nam, giúp khu vực xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh", chuyên gia Yuta Tsukada thuộc Viện nghiên cứu Nhật Bản (JRI) nhận định. Xét tới lợi thế chi phí sản xuất thấp của Việt Nam, ông Tsukada cho rằng sẽ còn có thêm nhiều doanh nghiệp dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc san Việt Nam, đặc biệt nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung còn tiếp diễn.
Theo tính toán của Nikkei, Indonesia là nền kinh tế có chỉ số tăng trưởng 2021 cao thứ nhì, đạt 104,5 điểm. Malaysia có chỉ số tăng trưởng kinh tế năm tới đạt 101,3 điểm. Trong khi đó, Singapore, Philippines và Thái Lan có thể phải đến năm 2022 mới vượt được mức 100 điểm.
Du lịch của Thái Lan, ngành chiếm khoảng 20% GDP của nước này, được dự báo tiếp tục gặp khó trong năm tới. Một nguồn động lực tăng trưởng kinh tế khác là xuất khẩu ô tô cũng khó trở lại mức trước đại dịch trong năm 2021. Đối với Philippines, tiêu dùng đang có nhiều dấu hiệu đuối sức. Còn về phía Singapore, ngành du lịch cũng được cho là sẽ phục hồi chậm chạp.
Dù được dự báo tăng trưởng không đồng đều trong năm tới, cả 6 nền kinh tế trên đều có thể bị ảnh hưởng bởi diễn biến bệnh dịch toàn cầu, cũng như chính sách của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden - người sẽ chính thức lên cầm quyền vào ngày 20/1.
Vaccine ngừa Covid-19 đã bắt đầu được tiêm chủng tại một số quốc gia, nhưng có lẽ phải mất một thời gian dài nữa mới sẵn có ở những khu vực đang phát triển như Đông Nam Á. Ngoài ra, hiệu quả của vaccine đối với biến thể mới của Covid-19 phát hiện ở Anh mới đây cũng chưa được kiểm chứng.
Là một nhà lãnh đạo đến từ Đảng Dân chủ, ông Biden có thể sẽ hướng theo các chính sách bảo hộ và ít có khả năng quay lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà ông Trump đã rút lui, theo Nikkei.
Anh Thư