Cánh đồng thôn Nghĩa Trai xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên phủ một màu vàng rực rỡ của các luống hoa cúc chi đang vào mùa thu hoạch, đây là làng nghề chuyên trồng cây dược liệu lâu đời. Loài hoa giản đơn mang vẻ đẹp mộc mạc, dung dị, được trồng để làm thuốc hoặc trà khô, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc.
Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, làng Nghĩa Trai, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên vốn nổi tiếng bởi nghề trồng và chế biến dược liệu từ nghìn năm nay và cũng là thu nhập chính của người nông dân.
Cúc chi vàng (kim cúc, hoàng cúc) là loài cúc thân mảnh, khi cúc nở, hoa sẽ mọc theo từng chùm tựa như những quả cầu nhỏ. Hoa cúc chi chỉ nở rộ vào tháng 12. Hoa màu vàng rực, bé bằng ngón tay, mùi thơm dịu, được trồng vào nửa cuối năm.
Không hề kiêu sa như hoa hồng hay nồng nàn hương thơm như hoa ly, cúc chi vàng mang trong mình vẻ đẹp thuần khiết và bình dị của một loài hoa chốn làng quê. Loài hoa này còn được xếp vào hàng tứ quý bao gồm tùng – trúc – cúc – mai.
Xưa kia, cúc chi được trồng để dâng lên vua chúa làm dược liệu nên có tên gọi khác là cúc “tiến vua” với tác dụng thanh nhiệt, giải độc, có khả năng chữa được các bệnh hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, cao huyết áp…
Đến thăm Nghĩa Trai vào khoảng thời gian này, trên những cánh đồng cúc chi tấp nập cảnh thu hoạch của những người nông dân. Hoa được trồng từ khoảng tháng 6 dương lịch, đến tháng 12 hoa bắt đầu nở rộ, đến kỳ thu hoạch.
Cánh đồng hoa được chia làm nhiều luống thẳng hàng lối, nên nhìn từ xa như một thảm vàng rực trải dài hút mắt. Đi giữa những luống hoa sẽ giống như đang lạc bước vào một khu vườn cổ tích lung linh với những tấm thảm vàng diệu kỳ.
Hoa cúc chi phải được hái đúng kỳ, khi hoa đang nở ở độ đẹp nhất, nếu để muộn hơn hoa sẽ già, thâm, mất dược tính. Vào vụ thu hoạch cúc chi, cả làng Nghĩa Trai nhộn nhịp hẳn lên. Từ trẻ con, thanh niên, đến người già đều ra đồng hái hoa.
Mùa thu hoạch cúc chi thường kéo dài khoảng 30 ngày vào thời điểm sau Tết Dương lịch. Ước tính, mỗi sào hoa cúc có thể thu được khoảng 450kg hoa tươi, sau khi sấy khô còn khoảng 70kg.
Mỗi ngày, một người có thể thu hoạch được từ15-20kg hoa tươi, công việc nhàn, thu nhập khá. Một chủ vườn cúc chi ở đây cho biết, vụ năm nay, trừ chi phí đi thì lãi được khoảng hơn 50 triệu. Hoa cúc chi ta được bán với giá 40.000 - 50.000đ/kg, hoa khô thì giá lại tùy vào cách thức sấy, sấy điện hay còn gọi là sấy sạch giá sẽ cao hơn hấp diêm sinh. Khoảng 7-10 kg hoa cúc tươi mới cho ra 1 kg hoa khô.
Hoa sấy khô dùng làm trà hoặc đem hấp diêm sinh để bán cho các tiệm thuốc. Giá bán hoa sấy sạch tại thôn Nghĩa Trai khoảng 300.000 đồng/kg.
Nông dân chủ yếu dùng tay, nhẹ nhàng hái từng cành hoa để không bị rụng cánh cúc chi. Theo chia sẻ của bác nông dân cho biết, người mua nếu không có kinh nghiệm sẽ nhầm lẫn hai giống cúc, cúc chi ta và cúc lai. Hoa cúc ta bông nhỏ hơn nhưng chắc hoa, và rất thơm. Hoa cúc lai thì bông to hơn nhưng xốp, và không thơm mấy, nhưng vì năng suất cao hơn nên vẫn được trồng, giá cũng rẻ chỉ bằng nửa hoa cúc chi ta
Cúc chi nhuộm vàng cả cánh đồng, e ấp trong tay người nông dân, báo hiệu mùa xuân tới.
Nhiều bạn trẻ, các du khách đã tìm về cánh đồng cúc vàng để có thể ngắm nhìn vườn hoa bát ngát và tận hưởng mùi thơm dịu nhẹ của hoa, thích thú tạo dáng với những bông cúc chi bung nở vàng rực.
Để có những bức ảnh ưng ý nhất nhiều bạn không ngần ngại tạo dáng bên luống hoa vàng ươm để có được tác phẩm nghệ thuật đẹp.
Điều đặc biệt là cúc chi chỉ trồng được ở Nghĩa Trai vì trước đây, đã có nhiều người dân trong làng đi làm ăn nơi xa mang giống cúc đi theo để trồng nhưng đều bất thành.
Đến thăm làng Nghĩa Trai mùa cúc chi, để thêm yêu cuộc sống, cảm nhận sự kỳ diệu của thiên nhiên cũng như trân trọng hơn những người nông dân trồng hoa một nắng hai sương, để làm nên một thức trà hoa quý, một vị thuốc hay giúp ích cho bao người.
Minh Phú