Thông tin trên được lãnh đạo UBND TPHCM cho biết tại cuộc họp ngày 8/12 trong kỳ họp thứ 23 Hội đồng nhân dân TPHCM khóa IX.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại cuộc họp.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, trong năm 2020, đến giờ này, đầu tư từ các dự án FDI đang giảm 51%. Đến nay, có 1.300 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư, song mỗi dự án chỉ có quy mô khoảng nửa triệu USD. Quy mô quá nhỏ. TPHCM chưa có dự án nào lớn cả! Hiện nay, đang có dòng dịch chuyển đầu tư từ các nước nhìn ngắm vào các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc cải thiện môi trường đầu tư là đòi hỏi bức xúc với TPHCM.
Trong giai đoạn 2016-2019, chỉ số PCI của TPHCM có tăng điểm nhưng tăng không nhiều, chỉ tăng 5,4 diểm trong vòng 4 năm. TPHCM có sự cải thiện tốt nhưng các địa phương khác có sự cải thiện, thay đổi tốt hơn, nên TPHCM vẫn tụt hạng. Rốt cục, TPHCM tăng điểm nhưng xuống hạng về năng lực cạnh tranh, từ hạng 8 (vào năm 2016), xuống hạng 10 (năm 2018), và hạng 14 (năm 2019). Điều đó cho thấy nỗ lực cải thiện của TPHCM là chưa đạt. TPHCM thẳng thắn nhìn nhận và tiếp tục nỗ lực cải thiện điều này.
Trên thực tế hiện nay đầu tư công chỉ chiếm 13% trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội, còn lại là đầu tư nước ngoài và tư nhân. Trong đó, riêng đầu tư từ doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 70% và doanh nghiệp FDI chiếm phần còn lại.
Vì thế, song song với việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công thì TPHCM phải quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, có như vậy mới thu hút được nguồn lực từ trong dân, doanh nghiệp và đầu tư nước ngoài. Năm 2021, TPHCM xác định chủ đề là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”.
“Trong năm 2021, TPHCM nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu nơi nào có doanh nghiệp phản ánh còn phiền hà, thì người đứng đầu nơi đó phải chịu trách nhiệm. Cao nhất là cá nhân Chủ tịch UBND TPHCM phải chịu trách nhiệm trước UBND TPHCM về việc cải thiện môi trường đầu tư. TPHCM quyết liệt cải cách hành chính liên quan đến việc đầu tư của tổ chức, doanh nghiệp, đảm bảo các yêu cầu: có thời hạn cụ thể với quy trình thủ tục; xác định rõ trách nhiệm cá nhân trong giải quyết hồ sơ; có sự giám sát; có chế tài xử lý nếu để chậm trễ… TP tăng cường sự giám sát của HĐND, MTTQ, của báo chí, của nhân dân”, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong khẳng định
Liên quan đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết, kết quả còn chưa cao như đăng ký ban đầu do ảnh hưởng từ việc giải ngân vốn ODA vay lại và cấp phát trong năm 2020 đạt tiến độ chậm vì những khó khăn do nhiều lý do như thời gian điều chỉnh nội dung dự án bị kéo dài, ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đến các đối tác nước ngoài, các vấn đề tồn đọng trong giải ngân nguồn vốn chưa được giải quyết…
Tuy nhiên, Thành phố cũng đã xác định rõ tầm quan trọng của vấn đề giải ngân đầu tư công là nguồn lực kích thích phát triển, nên luôn quan tâm, tổ chức các hội nghị lắng nghe vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư nhằm tăng tỷ lệ giải ngân nguồn vốn.
“Năm 2020, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do Covid-19, tuy chưa đạt được một số chỉ tiêu mục tiêu đề ra ban đầu, nhưng vẫn nhưng kinh tế Thành phố vẫn đạt tăng trưởng dương, đóng góp tích cực vào kết quả chung của kinh tế đất nước.
Thành phố xác định, tiếp tục nỗ lực hơn nữa để đảm bảo đà tăng trưởng ổn định, đạt chỉ tiêu tăng trưởng 6% trong năm tới; đồng thời lập kế hoạch xây dựng gói hỗ trợ khoảng 4.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19, trong đó hoạt động hỗ trợ, kích cầu phát triển du lịch khoảng 1.000 tỷ đồng”, bà Lê Huỳnh Mai cho biết.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, dịch Covid-19 diễn ra từ ngày 23/1/2020 đến nay vẫn còn tác động đến đời sống kinh tế - xã hội. TPHCM là một trong những địa phương bị tác động mạnh nhất. Trong bối ảnh trên, UBND TPHCM đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai giải pháp đồng bộ thực hiện nhiệm vụ kép – vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2021, TPHCM xác định chủ đề là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”. TPHCM tập trung thực hiện các nội dung: triển khai mô hình chính quyền đô thị, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, thành lập thành phố Thủ Đức; chuẩn bị và làm tốt bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thực hiện chương trình cải cách hành chính, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo của sự phục vụ; tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, triển khai chương trình phục hồi kinh tế, triển khai gói hỗ trợ lần thứ 2, tháo gỡ mọi khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp.
TPHCM thực hiện 4 chương trình phát triển TPHCM với 51 chương trình, đề án thành phần. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tiếp tục triển khai giai đoạn 2 xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh… TPHCM chú trọng thiết kế đô thị phục vụ quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ…
Trong năm 2021 TPHCM dự kiến có 20 chỉ tiêu tăng trưởng, trong đó phấn đấu chỉ tiêu kinh tế về tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) đạt khoảng 6%; duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 5,7%/năm.
Châu Anh