Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đang mang đến nhiều thuận lợi, doanh nghiệp gạo kỳ vọng sẽ gia tăng thị phần ở thị trường rộng lớn này.
Anh hiện được đánh giá là thị trường lớn rất tiềm năng cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2019 Anh đã nhập khẩu 617.000 tấn gạo, tăng 10% so với năm 2018. Dù vậy, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Anh hiện ở mức khiêm tốn khi chỉ chiếm 0,2%, đứng thứ 22 trong số các nhà xuất khẩu gạo sang nước Anh.
Các thống kê từ Cục Xuất nhập khẩu cũng cho thấy, trong năm 2019, xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Anh đã có bước nhảy vọt với mức tăng trưởng kim ngạch lên đến 376%. Tuy nhiên, mức thuế quan với mặt hàng này năm 2019 vẫn ở mức cao nên khó cạnh tranh với các nước khác như Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan.
Xuất khẩu gạo sẽ được lợi nhờ UKVFTA
Lý giải nguyên nhân gạo Việt xuất khẩu vào Anh còn ở mức thấp, ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE cho biết, có hai mấu chốt khiến gạo Việt chưa thể cạnh tranh được gồm thuế suất vào Anh cao (khoảng 17%) và các yêu cầu rất khắt khe của thị trường Anh. Cụ thể, để xuất khẩu vào Anh, doanh nghiệp ngoài đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn như đã xuất đi Mỹ, EU là Global GAP, HACCAP, ISO… thì cần phải đáp ứng thêm những tiêu chí riêng như đảm bảo nhân quyền cho người lao động.
Tuy nhiên, đối với mặt hàng gạo, nhiều chuyên gia nhận định gạo xuất xứ từ Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm đến từ Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ. Ngoài ra, Anh còn cam kết sẽ rà soát nâng lượng hạn ngạch thuế quan (TRQ) đối với mặt hàng gạo của Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày UKVFTA có hiệu lực. Đây cũng là cơ hội tốt để thúc đẩy xuất khẩu gạo vào thị trường này.
Trong UKVFTA, bên cạnh gạo, Anh còn cam kết bổ sung về lượng TRQ đối với hơn 10 mặt hàng khác như trứng, tỏi, ngô ngọt, tinh bột sắn, surimi... Lợi ích này có ý nghĩa đặc biệt khi Anh là một trong những thị trường nhập khẩu tiềm năng các mặt hàng ta được hưởng ưu đãi TRQ (ví dụ như gạo, tinh bột sắn, surimi).
Anh Thư