Theo báo cáo Chỉ số kết nối toàn cầu 2020 (GCI) do DHL và Trường kinh doanh Stern của Đại học New York vừa công bố, Việt Nam tăng 5 bậc trên bảng xếp hạng dòng chảy thương mại và xếp thứ 5, trong khi đa số quốc gia trong top 10 sụt giảm hoặc duy trì vị trí.
Việt Nam lọt top 5 BXH dòng chảy thương mại quốc tế
Báo cáo của Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York và Công ty DHL chỉ ra rằng, Việt Nam vượt trội trong khu vực về cả chiều sâu, lẫn chiều rộng, khi dòng chảy quốc tế được trải rộng. Việt Nam đã trở thành một đối thủ mạnh của Trung Quốc về sản xuất dệt may và ngày càng mạnh hơn về các sản phẩm công nghệ cao.
Theo các nhà nghiên cứu, kết quả này có được trong bối cảnh Đông Nam Á hưởng lợi từ mối liên kết chặt chẽ với mạng lưới chuỗi cung ứng rộng khắp châu Á, cùng các cải tiến về chính sách của ASEAN với chủ trương hội nhập kinh tế khu vực.
Ông Shoeib Reza Choudhury, Tổng giám đốc DHL Express Việt Nam, khẳng định Việt Nam chắc chắn là một trong những điểm đến hàng đầu của những doanh nghiệp đang mong muốn đa dạng hóa cơ sở sản xuất.
Đánh giá của DHL Express Việt Nam cũng cho biết các doanh nghiệp bị thu hút bởi lực lượng lao động trẻ và tay nghề cao của Việt Nam, các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và nhiều tổ chức quốc tế khác nhau, cùng sự ổn định chung của xã hội.
GCI 2020 là phân tích toàn diện về toàn cầu hóa, đo lường các dòng chảy quốc tế về thương mại, vốn, thông tin và con người khắp 169 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành, dòng chảy thương mại và vốn đã bắt đầu phục hồi, còn dòng chảy dữ liệu quốc tế tăng đột biến.
Trong đó, Hà Lan một lần nữa đứng đầu bảng xếp hạng GCI. Dẫn đầu về chỉ số tương quan giữa dòng chảy quốc tế so với hoạt động quốc nội là Singapore, còn Anh có sự phân bổ dòng chảy khắp toàn cầu nhiều nhất.
Thanh Thúy