Dịch bệnh hoành hành khiến chính phủ Mỹ liên tục đưa ra nhiều gói cứu trợ, hỗ trợ nền kinh tế. Người tiêu dùng Mỹ có xu hướng đổ nhiều tiền hơn vào ngân hàng và trả dần các khoản nợ thẻ tín dụng.
Xu hướng tiêu dùng mới của người Mỹ đang thay đổi như thế nào
Dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố ngày 5/2 cho thấy, lượng tiền gửi trong các ngân hàng thương mại của Mỹ đã tăng 97,9 tỷ USD trong tuần kết thúc vào ngày 27/1, mức cao nhất trong ba tháng, lên mức kỷ lục hơn 16.300 tỷ USD. Mức tiền gửi ngân hàng này đã tăng thêm 226,1 tỷ USD kể từ cuối tháng 12 và kể từ đầu tháng 3/2020, con số này đã tăng gần 3.000 tỷ USD, tương đương mức tăng tiền gửi tiết kiệm của bốn năm qua.
Bên cạnh đó, dư nợ cho vay tiêu dùng của các ngân hàng Mỹ, không bao gồm bất động sản, đã giảm 3,5 tỷ USD xuống mức thấp nhất trong hai năm là 1.513 tỷ USD trong tuần trước. Sự sụt giảm này được dẫn đầu bởi đà giảm mạnh số dư nợ thẻ tín dụng, vốn chiếm khoảng một nửa lượng tín dụng tiêu dùng phi bất động sản của Mỹ và hiện đứng ở mức 735,6 tỷ USD, thấp nhất trong hơn bốn năm.
Việc người dân Mỹ đẩy mạnh thanh toán tín dụng và tăng tiền tiết kiệm chủ yếu nhờ Chính phủ Mỹ tung ra nhiều gói cứu trợ liên quan tới COVID-19, với tổng trị giá khoảng 4.000 tỷ USD kể từ mùa Xuân năm ngoái.
Nhiều nhà kinh tế và nhà hoạch định chính sách coi việc số tiền mặt trong tài khoản ngân hàng của người tiêu dùng tăng cao kỷ lục - hiện bằng khoảng 75% sản lượng kinh tế Mỹ, so với mức tương ứng 60% trước đại dịch - là động lực cho sự phục hồi mạnh mẽ của nước này vào cuối năm nay.
Trung Anh (T/H)