Theo đánh giá chung, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại khiến cầu vốn của khách hàng khó kỳ vọng tăng nhanh, trong khi thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào, cho nên lãi suất sẽ còn giảm, dù không nhiều.
Theo ghi nhận, hiện tại nhiều ngân hàng, từ ngân hàng có vốn nhà nước hay ngân hàng thương mại cổ phần mức lãi suất đã được điều chỉnh theo chiều hướng giảm. Trong thời gian tới chưa có áp lực nào đủ lớn khiến lãi suất có thể tăng trở lại.
Ảnh hưởng dịch bệnh, dự báo lãi suất sẽ còn giảm dù không nhiều.
Nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng chỉ ra rằng, có nhiều yếu tố để thị trường tiếp tục hình thành một mặt bằng lãi suất thấp. Như các ngân hàng trung ương được dự báo sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong khoảng thời gian dài; định hướng xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước là giảm lãi suất tiết kiệm, tạo tiền đề giảm lãi suất cho vay hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế.
Bên cạnh đó, xu hướng tăng của lãi suất tiết kiệm những năm trước chủ yếu đến từ việc huy động nhằm đáp ứng các chỉ số an toàn, và cạnh tranh thu hút khách, cũng như có nguồn lực cho vay tín dụng. Sang năm 2021, dưới động thái điều hành của Ngân hàng Nhà nước, cùng mục tiêu tín dụng tập trung vào chất lượng, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm khó có thể trở lại.
Hiện tại, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ba tháng hiện còn 3,2%/năm, kỳ hạn sáu tháng còn 3,8%/năm và kỳ hạn 12 tháng còn 5,5%/năm.
Cùng chung xu hướng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) điều chỉnh giảm 0,1% ở hầu hết kỳ hạn ngắn; lãi suất các kỳ hạn từ 6-11 tháng ở mức 4%/năm, còn kỳ hạn từ 12 tháng áp dụng mức lãi suất 5,6%/năm.
Còn tại một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng cho thấy, đa phần ngân hàng cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất ở các kỳ hạn. Hiện tại, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng cao nhất chưa tới 4%/năm.
Đơn cử, tại SCB, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng trở xuống cao nhất còn 3,85%/năm nếu trả lãi trước. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng cao nhất là 5,7%/năm, lĩnh lãi cuối kỳ. Mức lãi suất tiết kiệm cao nhất là 7,3%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, nhưng số tiền gửi phải từ 500 tỷ đồng trở lên.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng giảm lãi suất tiền gửi tại hầu hết kỳ hạn. Hiện, tiền gửi các kỳ hạn từ 1 đến 9 tháng tại VPBank được áp dụng lãi suất khoảng 3,25 đến 3,45%/năm tùy giá trị tiền gửi. Lãi suất tiết kiệm 12 tháng hiện ở mức 4,9 đến 5,3%/năm. Mức lãi suất tiết kiệm tối đa tại VPBank hiện là 5,5%/năm, áp dụng với các khoản tiền gửi trên 50 tỷ đồng kỳ hạn trên 24 tháng, giảm 1 điểm %.
Thực tế, theo đánh giá chung dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại khiến cầu vốn của khách hàng khó kỳ vọng tăng nhanh, trong khi thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào, cho nên lãi suất sẽ còn giảm, dù không nhiều.
Phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cũng cho thấy, đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam những ngày gần đây có thể khiến cầu tín dụng yếu đi, lãi suất sẽ vẫn duy trì ở vùng thấp hiện tại và có thể còn giảm thêm nếu dịch bệnh phức tạp hơn.
Minh Nguyễn