Tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề "Định hình Chiến lược đầu tư và kinh doanh trong bối cảnh mới" vừa diễn ra tại TPHCM các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang có nhiều điểm sáng để có thể lạc quan vào tăng trưởng kinh tế trong năm 2021.
Các diễn giả trao đổi tại diễn đàn.
Nhiều điểm sáng
Theo ông Nguyễn Xuân Thành - chuyên gia kinh tế cấp cao, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, trong năm 2021, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, nhưng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)và Ngân hàng Thế giới WB còn có các dự báo lạc quan hơn với mức tăng trưởng từ 6,7% đến 7%.
Đưa ra quan điểm, ông Thành cho rằng, có thể lạc quan vào tăng trưởng kinh tế năm 2021 dựa trên nhiều yếu tố như: Ổn định vĩ mô và hỗ trợ kinh tế. Tăng trưởng nhưng không hi sinh ổn định vĩ mô là điểm nổi bật nhất trong nhiệm kỳ 2016-2020.Đây làlần đầu tiên Việt Nam chịu tác động bất ổn toàn cầu nhưng vẫn giữ được ổn định vĩ mô trong vòng 30 năm qua.Trong năm 2021 kỳ vọng Chính phủ vẫn duy trì được ổn định vĩ mô.
Một điểm sáng nữa là phục hồi đầu tư doanh nghiệp tư nhân và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng. Đầu tư tư nhân đã tăng nhanh trong 4 năm qua, trong khi đầu tư công năm 2020 đã có đạt quy mô lớn nhất trong lịch sử.
“Chúng ta có điều kiện để giảm lãi suất vay trong năm nay. Duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ là động lực thúc đẩy đầu tư doanh nghiệp tư nhân năm 2021 và những năm sau. Đầu tư tư nhân phục hồi sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng”, ông Thành nhận định
Cùng với hoạt động đầu tư trong nước, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 còn được kỳ vọng vào sự nối lại của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư nước ngoài năm 2020 có giảm, nhưng số tuyệt đối vốn FDI vào Việt Nam lớn. Điều quan trọng cho thấy Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn với dòng vốn nước ngoài.
“Cuối cùng, động lực tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 là xuất khẩu. Chúng ta là nền kinh tế mở, thị trường xuất khẩu đa dạng. Sangnăm 2021cùng với các FTA chúng tasẽ xuất khẩu mạnh sang EU và ASEAN, phục hồi thị trường vừa bị giảm sâu do ảnh hưởng dịch Covid-19”, ông Thành cho biết.
PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Viện trưởng, Viện Công nghệ Tài chính, Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh nhận định, kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh sớm lấy lại đà phục hồi. Nền kinh tế Việt Nam dễ thích nghi việc kinh doanh mới. Covid 19 sẽ là xúc tác nhanh để chuyển đổi số. Đã 60% doanh nghiệp thành công nhờ áp dụng nền tảng chuyển đổi số với sự hình thành các chuỗi bán lẻ giao nhận tại nhà. Sự linh hoạt của doanh nghiệp Việt Nam rất lớn từ đó hình thành thế hệ doanh nhân mới.
Kỳ vọng vào sự đột phá thể chế
Đưa ra những kỳ vọng vào chính phủ mới, nhiều ý kiến trông đợi vào sự đột phá trong cải cách thể chế để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng. Trong đó, bà Hà Thu Thanh – Chủ tịch Deloitte Viet Namcho rằng, cần sự đột phá trong triển khai luật và quy định trong luật. Trong 2021, có 5 luật đồng thời có hiệu lực, trong đó cóLuật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoánCả 3 luật này đều hướng đến quản trị công ty. Vậy làm sao để quản trị công ty có lực đỡ, có sự bình đẳng đối với doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến & Phát triển thị trường Nông sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôncho biết, để hướng tới 41 tỷ USD xuất khẩu, trong 4 năm qua, ngành nông nghiệp hoàn thiện thể chế bằng 6 luật, gần 50 nghị định. “Chúng tôi có khoảng 13.600 doanh nghiệp trong ngành do đó, đòi hỏi luôn cải tiến để phục vụ tốt doanh nghiệp, đặc biệt là cắt giảm các thủ tục hành chính chuyên ngành. Kết quả cho thấy, không chỉ doanh nghiệp nỗ lực mà cơ quan nhà nước chuyển cần có sự đồng hành hơn. Đây là nhận thức rất quan trọng”, ông Toản nói.
Bên cạnh sự kỳ vọng vào thể chế, các chuyên gia và doanh nghiệp cũng nhận định rằng, kiểm soát tốt dịch Covid-19 và phục hồi sức mua nội địa sẽ là các yếu tố quan trọng giúp nền kinh tế tăng trưởng trong năm 2021.
Theo Ts. Đặng Hoàng Hải Anh - chuyên gia kinh tế cấp cao của WB, nếu dịch bệnh không được kiểm soát có thể gây ra nhiều xáo trộn trong nền kinh tế. Điều quan trọng là Chính phủ và toàn dân phòng dịch, không được chủ quan. Nếu không làm tốt trên mặt trận y tế dự phòng, chúng ta sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề.
Về sức mua nội địa, ông Đặng Hoàng Hải Anh cho rằng, đang luồng vốn lớn trong dân. Chúng ta cần tập trung hơn nữa vào phục hồi sức mua nội địa. Đây là mấu chốt để phát triển.
“Sức mua suy giảm là một thách thức cho tăng trưởngkinh tế năm 2021, do đó các chính sách tiền tệ, tài chính trong năm 2021 cần tiếp tục hỗ trợ để thúc đẩy đầu tư và sức mua. Chính sách tiền tệ cần đồng hành vừa giữ vững tăng trưởng kinh tế vừa duy trì được sức mua” ông Nguyễn Xuân Thành đề xuất./.
Châu Anh