Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng, nhưng để hàng Việt chiếm lĩnh được thị trường, các đơn vị thành viên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ DN quảng bá tiêu thụ.
Theo Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP. Hà Nội, thực hiện chương trình đưa hàng Việt đến người tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển thương mại, bình ổn thị trường, trong thời gian qua, thành phố đã tập trung đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng thương mại trên địa bàn.
Hà Nội đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nội quảng bá tiêu thụ hàng Việt
Thực hiện kế hoạch kích cầu nội địa, tăng mức bán lẻ hàng hóa, thành phố đã tổ chức hội chợ đồ gỗ và trang trí nội thất năm 2020 với 300 gian hàng; khai trương 14 điểm giới thiệu quảng bá sản phẩm theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; tổ chức chương trình khuyến mại tập trung thành phố; phối hợp với các tỉnh, thành phố, các kênh phân phối, đơn vị liên quan kết nối, tiêu thụ trên 10.000 tấn nông sản thực phẩm dư cung do mùa vụ, dịch Covid-19 làm ảnh hưởng tới thị trường tiêu thụ, xuất khẩu.
Tuy nhiên để tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nội quảng bá tiêu thụ hàng Việt cần đổi mới phương thức tuyên truyền, bên cạnh những kết quả đã đạt được.
Tuy nhiên, trên thực tế triển khai Cuộc vận động cho thấy, vẫn còn một số DN chưa quan tâm đến việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu nhãn mác của sản phẩm, hàng hóa; chưa quan tâm đến việc thực hiện Cuộc vận động. Các DN chưa có sự liên kết chặt chẽ với người tiêu dùng, do đó, việc tạo uy tín, chỗ đứng của hàng hóa Việt trong lòng người tiêu dùng chưa cao. Bản thân các DN cũng gặp nhiều khó khăn do tình trạng hàng giả, hàng nhái thương hiệu Việt chưa được kiểm soát triệt để làm giảm lòng tin của một bộ phận người tiêu dùng.
Nhằm giải quyết những khó khăn, bất cập mà DN gặp phải trong quá trình triển khai Cuộc vận động, trong năm 2021, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đề nghị các đơn vị thành viên tiếp tục đổi mới phương thức tuyên truyền Cuộc vận động đến DN, người tiêu dùng.
Theo đó, chú trọng tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh sản phẩm, hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, nhất là các sản phẩm dịch vụ được bình chọn, công nhận “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”, đồng thời lên án, đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; tuyên truyền nhân rộng các mô hình điển hình, tôn vinh các tổ chức, cá nhân, sản phẩm được công nhận hàng Việt Nam chất lượng cao.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao đến người tiêu dùng, các hoạt động thương mại, xúc tiến thương mại, bình ổn thị trường; tổ chức các chương trình bán hàng Việt, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng, vận động các DN triển khai bán hàng lưu động, đưa hàng về các đại lý, tại các vùng xa, phục vụ người tiêu dùng.
Triển khai các hội chợ, chương trình khuyến mại, giảm giá, chương trình kích cầu nội địa, kết nối giao thương, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng TP. Hà Nội. Rà soát, triển khai chương trình kết nối giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài vào các thời điểm phù hợp.
Ngoài ra, nhằm hỗ trợ DN trong quá trình đưa hàng Việt về nông thôn, chính quyền các quận, huyện cần hỗ trợ DN xác định địa điểm bán hàng; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các chương trình bán hàng đến từng khu dân cư. Đồng thời, đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ, xây dựng chợ, trung tâm thương mại, siêu thị... phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để người dân kinh doanh, mua sắm./.
Duy Dũng (t/h)