Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam thông tin, tháng 01/2021, dù chịu tác động không nhỏ của dịch COVID-19, nhưng khối cảng biển vẫn giữ được sự tăng trưởng tốt với sản lượng hàng hóa thông qua đạt hơn 62 triệu tấn, tăng 17%.
Trong đó, hàng hóa container đạt hơn 2,2 triệu Teus, tăng tới 27% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, những khu vực cảng biển có sự tăng trưởng mạnh nhất là Hải Phòng (tăng 26%), Tp. Hồ Chí Minh (tăng 27%) và khu vực Cái Mép - Thị Vải (tăng 29%).
Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, tháng 1/2020, ngoài ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, sản lượng hàng hóa đi bằng đường biển còn ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu chỗ trên tàu và thiếu container rỗng, thị trường hàng xuất khẩu Việt Nam nói riêng và chuỗi cung ứng hàng hóa trên thế giới bị chậm lại.
Các hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có một năm sôi động, được thúc đẩy bởi các giá trị xuất khẩu tăng cao đột biến, chủ yếu đóng góp bởi các đơn hàng đi Mỹ, bất chấp các dự báo về ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID. Sản lượng giao thương hàng hoá sau khi chịu thiệt hại trong quý II/2020 đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng. Đà tăng trưởng có được một phần nhờ các hoạt động dịch chuyển cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp đa quốc gia sang Việt Nam.
Khối cảng biển vẫn giữ được sự tăng trưởng tốt đầu năm 2021
Phần khác, đà phục hồi nhanh chóng cũng đến từ sự quay trở lại của hoạt động sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như tại các quốc gia đối tác xuất nhập khẩu của Việt Nam. Có quan hệ mật thiết với hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, ngành cảng biển được RongViet Securities dự báo sẽ tiếp tục có một năm thăng hoa trong 2021.
Động lực tăng trưởng đến từ cảng nước sâu: Theo Fitch Solutions dự báo kim ngạch thương mại Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 11% từ 2021 đến 2024 nhờ sự thúc đẩy đáng kể nhờ tăng cường quan hệ thương mại song phương với một số quốc gia theo các hiệp định EVFTA và RCEP đã ký gần đây.
Việt Nam cũng đang tích cực phát triển hạ tầng logistics vì đây là một trong những chìa khóa quan trọng cho cuộc đua của các nước trong bối cảnh các chuỗi cung ứng quốc tế có sự dịch chuyển, mở rộng ra ngoài thị trường Trung Quốc sau dịch COVID-19.
Bên cạnh nhiều dự án phát triển hạ tầng đường bộ, hệ thống hạ tầng cảng biển nước sâu cũng đang được chú trọng đầu tư như cảng nước sâu Gemalink tại Cái Mép-Thị Vải, hoạt động 2021và cảng Lạch Huyện bến 3, 4 dự kiến hoạt động 2025.
Liên quan đến việc nâng giá bốc dỡ container, RongViet Securities nhận định điều này sẽ có ít ảnh hưởng tới cụm cảng ở Hải Phòng, trong khi gia tăng lợi ích đáng kể cho các cảng tại CM-TV. Nguyên nhân của sự khác biệt này đến từ việc cạnh tranh gay gắt do dư cung, và đặc biệt là sự phân tán về sản lượng ở nhiều cảng sông tại Hải Phòng sẽ khiến các cảng tại đây cắt giảm giá các dịch vụ không được quy định để duy trì mối quan hệ với hãng tàu./.
Mai Trung (T/H)