Theo truyền thống người Việt, Tết Nguyên Đán là thời điểm mở đầu một năm, bắt đầu một chu trình mới của bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông. Để một năm trôi qua trong suôn sẻ, tài vận và sức khỏe lên như diều gặp gió thì bạn cần nhớ phải làm những điều này trong ngày đầu năm nhé!
Xông đất đầu năm
Qua thời khắc giao thừa là bước sang một năm mới, gia chủ thường chọn người bước vào nhà mình đầu tiên để xông đất. Đó phải là những người hợp tuổi với gia chủ, hiền lành, gia đình hạnh phúc, làm ăn phát đạt với mong muốn một năm mới mọi điều đều thuận lợi, tốt đẹp.
Mua muối
Người xưa hay có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” để nói về phong tục mua muối ngày Xuân của người Việt ta.
Nếu để ý bạn sẽ thấy là không chỉ ngày Tết mà hầu hết ở các buổi cúng tế đều có hành động tung muối ra đường với ngụ ý xua đuổi tà ma, loại bỏ xui xẻo để gia đình được bình an. Và việc mua muối đầu năm cũng có ý nghĩa tương tự.
Mua lửa
Theo quan niệm tại nhiều nước ở phương Đông thì lửa giúp sưởi ấm, mang đến hạnh phúc cho gia đình. Việc mua lửa mang đến nhiều may mắn nên đầu năm người ta thường mua lửa, mua diêm hoặc mua bật lửa để mong muốn một năm tràn đầy tài lộc và hạnh phúc.
Mua vàng
Theo quan niệm của người xưa, ngày mùng 10 Tết là ngày vía thần tài nên mọi người thường đi mua vàng để cầu may đầu Xuân cho một năm tiền bạc dư dả.
Chính vì vậy, khung cảnh người người, nhà nhà kéo nhau đi mua vàng là điều dễ thấy trong ngày này.
Ăn hoa quả có hình tròn
Các loại hoa quả không chỉ đem đến những dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể mà còn mang nhiều ý nghĩa về văn hóa ngày Tết tại phương Đông.
Theo các sách về văn hóa, việc ăn hoa quả có hình tròn vào ngày Tết nhằm cầu mong cho một năm tròn vẹn, đủ đầy và may mắn đấy!
Mừng tuổi
Mừng tuổi đầu năm là truyền thống tốt đẹp đã có từ rất lâu đời tại Việt Nam. Đây là hành động thay cho lời chúc người được mừng tuổi gặp may mắn, phát đạt, sức khỏe và tiền tài. Không chỉ người lớn mừng tuổi cho con cháu mà con cháu cũng nên mừng tuổi cho ông bà, cha mẹ để tỏ rõ lòng hiếu đạo, trên dưới.
Đặt chổi ra ngoài
Đặt chổi ra ngoài vào đúng thời khắc giao thừa là biểu thị cho việc những điều xui xẻo, tà ma sẽ bị xua đuổi hết ra khỏi nhà. Hãy note lại ngay điều này và thực hiện nó nhé!
Mặc đồ mới
3 ngày Tết 7 ngày Xuân, lẽ thường ai ai cũng háo hức diện đồ mới trong ngày đầu năm. Người ta quan niệm rằng khi mặc áo mới thì những điều mới mẻ, tươi mới sẽ tới. Trong đó đồ màu đỏ hoặc màu vàng được xem là mang lại may mắn nhiều hơn cả.
Khai bút đầu xuân
Tục khai bút đầu xuân hay còn gọi là khai bút đầu năm hay chắp bút đầu năm thường được các học sỹ, học giả xưa thực hiện. Ngày nay, việc khai bút mang ý nghĩa một năm mới suôn sẻ trong học tập và công việc.
Xin chữ
Bên cạnh thói quen khai bút, người Việt còn có thói quen xin chữ và cho chữ vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Theo các chuyên gia nghiên cứu về văn hóa, việc xin chữ đầu năm mang ý nghĩa tốt đẹp, rằng người dùng chữ biết trân quý giá trị của chữ, cũng là ước vọng xin điều may mắn, an lành, tràn đầy phúc đức trong nhà vào năm đó.

Đi tảo mộ, chúc Tết
Tết là dịp để con cháu tưởng nhớ tổ tiên và những người đã khuất. Đi tảo mộ trong những ngày này là để mời ông bà tổ tiên về ăn Tết với mình, cầu mong một năm may mắn tràn đầy, trên thuận dưới hòa.
Trong khi đó, việc đến nhà người thân chúc Tết cũng giúp bạn nhận được nhiều lời chúc tốt đẹp cho mình. Cảm giác quá ấm áp đúng không nào?
Lễ chùa đầu năm
Sau khi chúc Tết, nhiều người còn ra chùa lễ Phật để đón giờ phút thiêng liêng khi đất trời vừa bước sang năm mới, cầu mong năm mới nhiều may mắn. Nhiều người quan niệm dâng tiền giọt dầu hoặc tiền công đức tại chùa cầu mong sức khỏe, bình an đến với người thân của mình.
Minh Phương