Một người Pháp tái nhiễm biến thể Nam Phi, 4 tháng sau khi mắc Covid-19 lần đầu. Các nhà khoa học nghi ngờ khả năng miễn dịch của cơ thể sau lần đầu đã chịu thua biến thể mới.
Tờ Washington Post dẫn các dữ liệu ở Pháp cho biết bệnh nhân trên bị sốt nhẹ và khó thở trong lần đầu tiên bị nhiễm bệnh. Sau khi hồi phục, người đàn ông xét nghiệm âm tính hai lần vào tháng 12/2020. Các nhà nghiên cứu không rõ người đàn ông nhiễm chủng virus nào trước đó. Sau đó, khi ông này nhập viện lần nữa vào tháng 1/2021, kết quả giải trình tự bộ gene của virus xác định được 3 đột biến đặc trưng của biến thể B.1.351. Do tình trạng bệnh chuyển nặng, bệnh nhân nam này đã được đặt nội khí quản và thở máy.
Pháp ghi nhận ca bệnh đầu tiên tái nhiễm biến chủng mới của Covid-19.
Các tác giả nghiên cứu nhận xét trên Đài France Info: "Theo hiểu biết của chúng tôi, đây là lần mô tả đầu tiên về ca tái nhiễm biến thể mới từ Nam Phi ở mức nghiêm trọng 4 tháng sau lần mắc COVID-19 đầu tiên ở mức nhẹ".
Nghiên cứu từ Moderna, Pfizer-BioNTech, AstraZeneca-Oxford và Novavax cho thấy vaccine Covid-19 của các hãng này có hiệu quả thấp chống lại biến thể B. 1.351. Nguyên nhân có thể do biến thể Nam Phi chứa đột biến giúp virus trốn tránh hệ miễn dịch.
Do thiếu sự giám sát với các biến thể, rất khó để đánh giá mức độ phổ biến của tái nhiễm trùng hoặc xác nhận khẳng định của các nhà nghiên cứu Pháp rằng trường hợp này là ca tái nhiễm biến thể đầu tiên trên thế giới.
Tuy nhiên, các trường hợp tái nhiễm như người bệnh ở Pháp là không phổ biến, vì vậy, nỗ lực đạt được miễn dịch cộng đồng bằng vaccine vẫn còn nhiều hy vọng. Các chuyên gia y tế đang thúc giục điều tra thêm về khả năng miễn dịch chéo giữa các biến thể và hiệu quả của vaccine chống lại chúng.
Những ẩn số về các biến thể nCoV và khả năng virus có thể tiếp tục đột biến thúc đẩy mọi người nên giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người để hạn chế sự lây lan.
Trung Anh (T/H)