Trong “Đề án xây dựng chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030”, Sở Xây dựng TP HCM kiến nghị hạn chế phát triển dự án nhà ở cao tầng mới nếu chưa được đầu tư hệ thống hạ tầng tương ứng.
Trong 10 năm tới, TP. HCM sẽ từng bước kéo giãn đô thị ra các vùng ngoại thành, giảm tải cho khu vực nội đô đang quá tải nghiêm trọng.
Theo đề án, đối với khu vực trung tâm gồm Q.1, Q.3, và 5 quận nội thành hiện hữu có dân số giảm trong 10 năm gần đây (4, 5, 6, 11, Phú Nhuận), thành phố sẽ không chấp thuận chủ trương đầu tư dự án phát triển nhà ở nếu không có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng. Thay vào đó, sẽ ưu tiên tăng chỉ tiêu dân số, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng… cho các dự án cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ trước năm 1975.
Đối với các quận 8, 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú và Gò Vấp, thành phố sẽ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xã hội để kêu gọi đầu tư dự án nhà ở. Bên cạnh đó, khu vực TP.Thủ Đức và 3 quận nội thành phát triển (7, 12, Bình Tân) tuy được định hướng ưu tiên phát triển các dự án nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông lớn, nhưng vẫn hạn chế chấp thuận chủ trương thực hiện các dự án nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo.
Theo UBND thành phố, với dân số năm 2025 khoảng 10,1 triệu người, dự báo nhu cầu nhà ở của TP. HCM 5 năm tới hơn 81 triệu m2 sàn, 5 năm tiếp theo là 68 triệu m2 sàn. Vốn để phát triển nhà ở 5 năm tới cần gần 420.000 tỷ đồng. Trong đó vốn đầu tư nhà ở thương mại hơn 219.000 tỷ đồng, nhà ở xã hội 15.700 tỷ đồng, còn lại là vốn xây dựng nhà riêng lẻ của hộ gia đình. 5 năm tiếp theo nhu cầu vốn cần 545.500 tỷ đồng.
Quá trình phát triển nhà ở trên địa bàn TP. HCM 10 năm qua được cho có nhiều kết quả đáng kể nhưng chưa bền vững và đáp ứng nhu cầu về nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội, chưa đa dạng về sản phẩm, chưa đồng bộ hạ tầng kỹ thuật.
Hiện nay, hạ tầng bao gồm dịch vụ cấp thoát nước, giao thông, bệnh viện, trường học... trong các quận nội thành đã ổn định. Nếu có thêm các dự án cao tầng sẽ khiến hạ tầng bị quá tải. Khi đó, cần phải làm lại hạ tầng mới để đáp ứng nhu cầu của người dân nhưng sẽ rất khó khăn và thiếu bền vững. Bên cạnh đó, ngân sách của TP.HCM hiện không đủ để liên tục nâng cấp hạ tầng. Việc cải tạo, xây dựng chung cư mới thay thế các chung cư cũ ở các quận trung tâm cũng là giải pháp cần thực hiện để đảm bảo an toàn cho người dân. Tuy nhiên, nếu như tăng chỉ tiêu dân số, mật độ xây dựng cho các dự án cải tạo này thì phải xem xét đưa ra điều kiện cụ thể.
Trung Anh