Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12-2020 chiều 29/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chủ trương ban hành chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021 - 2025 do Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) xây dựng.
Thủ tướng đồng ý ban hành chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021 - 2025
Từ năm 1993, Việt Nam đã 7 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia. Việc xây dựng chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025 là căn cứ để xác định, nhận diện chính xác, toàn diện hơn hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương vào sáng cùng ngày, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết thời gian áp dụng chuẩn mới là khi cải cách tiền lương.
Chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 có 2 tiêu chí để xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình là tiêu chí về thu nhập và tiêu chí về mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (gồm 12 chỉ số: dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin; việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình).
Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2025, hộ nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng dưới 1,5 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng dưới 2 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Hộ cận nghèo là hộ có thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng (nông thôn) - 2 triệu đồng (thành thị) và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
Trung Anh