Báo cáo mới nhất của JLL về bất động sản hậu cần cho biết thị trường kho vận (bất động sản logistics) Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ trong 12 tháng qua nhờ sự bứt phá của thương mại điện tử.
Theo số liệu của JLL, doanh thu thương mại điện tử ở Việt Nam vào năm 2015 ước tính 4 tỉ USD, đến năm 2017 tăng trưởng hơn 50% lên 6,2 tỷ USD và năm 2020 tăng trưởng gấp đôi so với năm 2017 khi đạt 13 tỷ USD.
Ở những thị trường thương mại điện tử phát triển trưởng thành như Mỹ hay Nhật Bản, Hàn Quốc, diện tích bất động sản, hay nói chính xác là kho vận cần sẽ gấp 3 lần so với mô hình bán hàng truyền thống.
Chuyên gia của JLL nhận định COVID-19 đang đẩy nhanh quá trình tự động hóa trong lĩnh vực logistics và sẽ trở thành xu hướng chính trong thời gian tới, là động lực rất lớn khiến thị trường kho vận bùng nổ.
Tổng nguồn cung nhà kho 4 tỉnh phía Nam tăng lên trên 3 triệu m2, phía Bắc cũng tăng trưởng với hơn 880.000 m2 kho vận.
Đại diện JLL cho rằng, trong vòng ba năm tới, logistic Việt Nam sẽ tăng trưởng 14 - 16%. Riêng BĐS nhà kho, khu vực tam giác Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM là hướng mới cho tăng trưởng logistic do khu vực trung tâm hiện tại cực kỳ eo hẹp nguồn cung.
Bất động sản logistics Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ
Với lợi thế về hạ tầng đang phát triển, nhu cầu về kho bãi ở những khu vực trên ngày càng tăng. Một số đơn vị phát triển nhà kho cũng đang tìm kiếm quỹ đất ở những thị trường này.
Bình Dương là thị trường có nguồn cung kho cao nhất ở miền Nam bởi đây là cái nôi sản xuất, phục vụ xuất nhập khẩu. Tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp ở đây vào khoảng 94% và các cụm kho hiện hữu luôn lấp đầy trên 90%.
Do vậy, để đáp ứng nhu cầu, các cụm kho ở Bình Dương sẽ mở rộng về phía Bắc như trường hợp Gaw Capital đầu tư tại Khu công nghiệp Sóng Thần hay BWID đầu tư tại VSIP 2.
Đối với khu vực miền Bắc, tổng nguồn cung kho khoảng 880.000 m2, thấp hơn nhiều so với hơn 3 triệu m2 ở miền Nam và tập trung ở Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội.
Nếu xét về giá thuê, miền Bắc có giá thuê cao hơn vì khan hiếm nguồn cung. Hà Nội và TP HCM có giá thuê cao hơn những khu vực còn lại.
Theo dự báo của JLL, nguồn cung kho sẽ tiếp tục tập trung ở TP HCM, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh đối với khu vực miền Nam. Còn ở phía Bắc sẽ tập trung ở Hà Nội và Bắc Ninh.
Đại diện JLL cũng lưu ý, ở Hà Nội gần như không còn quỹ đất để phát triển nên Hải Dương được dự báo sẽ phát triển để phục vụ ngược lại cho Hà Nội và Hải Phòng.
Mặc khác, nhu cầu tìm kiếm quỹ đất BĐS công nghiệp của các nhà đầu tư nói chung cũng thay đổi. Thay vì trước kia họ thường có nhu cầu tìm quỹ đất 5.000 - 10.000 m2 thì đến nay nhu cầu về quỹ đất đã tăng lên 10.000 - 50.000 m2.
Tuy nhiên, cũng theo JLL, để đạt được những mục tiêu tăng trưởng trong tương lai, ngành hậu cầu Việt Nam còn phải vượt qua nhiều thách thức. Trước hết, để Việt Nam có thể tiến lên giai đoạn tiếp theo trong quá trình phát triển logistics/công nghiệp, ngành hậu cầu Việt Nam cần tiếp tục duy trì mức đầu tư hợp lý vào đầu tư cơ sở hạ tầng; đồng thời cần chú trọng vào việc phát triển cả hệ thống đường cao tốc và mạng lưới tiện ích, kể cả năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, quy trình giao thương xuyên biên giới của Việt Nam bao gồm thời gian và chi phí vẫn còn cần thêm nhiều cải tiến đáng kể. Hiện chi phí giao dịch qua biên giới, bao gồm chi phí tuân thủ tài liệu thủ tục và chi phí xuất nhập khẩu, ở Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực.
Phương Lê