Trước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Năm 2020, cùng với các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã và đang phát huy tốt vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, góp phần bảo đảm an toàn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Luôn trong tâm thế tích cực và chủ động, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các đơn vị tập trung quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, sự cố và cứu hộ, cứu nạn. Trong 05 năm qua, Bộ Tư lệnh đã tổ chức 69 đợt tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú như: Sinh hoạt chuyên đề, hội thảo, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, trao đổi kinh nghiệm…với trên 100.000 lượt cán bộ chiến sỹ, dân quân tự vệ và đơn vị quân đội trên địa bàn tham gia. Qua đó, làm cho cán bộ, chiến sỹ trong Bộ Tư lệnh nhận thức đúng về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình trong công tác phòng, chống, khắc phục thiên tai, sự cố và cứu hộ, cứu nạn; coi đó là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng yếu của cơ quan, đơn vị; là nghĩa vụ, trách nhiệm mà mọi quân nhân phải phấn đấu hoàn thành.
Bộ Tư lệnh Thủ đô tích cực, chủ động trong công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (giai đoạn 2016 - 2020)
Công tác tổ chức, xây dựng lực lượng cũng được kiện toàn thông qua việc củng cố tổ chức biên chế lực lượng cứu hộ, cứu nạn ở các cấp trong Bộ Tư lệnh thường xuyên, duy trì và thực hiện tốt các chế độ canh, trực; bảo đảm cơ chế điều hành, ứng phó, xử lý các sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Công tác phối hợp trong bố trí, huy động lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” phát triển theo chiều sâu, tạo thế chủ động, vững chắc, sẵn sàng ứng phó kịp thời với các loại hình thiên tai, sự cố xảy ra. Ngoài ra, trong 05 năm qua, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã chủ động làm tốt công tác chuẩn bị, trọng tâm là hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án ứng phó, xử lý các sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn. Quá trình xây dựng, hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án thể hiện tính hệ thống, khoa học, bảo đảm sát với yêu cầu nhiệm vụ của từng lực lượng, điều kiện, đặc điểm địa bàn và được phê duyệt theo phân cấp, làm cơ sở để triển khai thực hiện.
Các cơ quan, đơn vị cũng đã quán triệt, thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu; chủ động nắm, dự báo tình hình, xây dựng kế hoạch, dự kiến các phương án; tổ chức huấn luyện, diễn tập; chuẩn bị lực lượng, phương tiện; duy trì các chế độ ứng trực; phối hợp với các lực lượng xử lý tốt tình huống; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực bên ngoài để tăng cường khả năng ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố Hà Nội (giai đoạn 2018 - 2023). Trong 05 năm, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cũng đã tham gia diễn tập về phòng, chống thiên tai và tìm cứu nạn. Đã phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội thực hiện 08 cuộc diễn tập về phòng, chống cháy nổ tại các nhà chung cư cao tầng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đặc biệt năm 2019, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức: diễn tập Phòng thủ dân sự trong diễn tập KVPT (HN-19); diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại tổ hợp Khách sạn Grand plaza và Charmvit Tower, được cấp trên đánh giá cao. Bộ cũng chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự các quận, huyện, thị xã tham mưu với Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức 06 cuộc diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; 05 cuộc diễn tập phòng, chống cháy nổ, cháy rừng, cứu sập. Công tác đầu tư, mua sắm, tiếp nhận trang thiết bị cũng được Bộ quan tâm.
Được xác định là lực lượng chủ lực trong công tác ứng phó, xử lý các tình huống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố Hà Nội; trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm túc các chế độ sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ tại đơn vị; nắm chắc tình hình địa bàn, kịp thời huy động lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, xử lý hiệu quả các tình huống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn, được chính quyền và nhân dân địa phương tin tưởng và đánh giá cao.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Công tác tham mưu của một số Ban Chỉ huy quân sự quận, huyện, thị xã với Ủy ban nhân dân cùng cấp về xây dựng tổ chức, lực lượng tại chỗ (Lực lượng xung kích) làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn các xã, phường, thị trấn chưa bảo đảm. Kinh phí đầu tư cho hoạt động và mua sắm các loại trang thiết bị làm nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai ở một số đơn vị còn hạn hẹp, các phương tiện chủ yếu là dụng cụ thô sơ. Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương với lực lượng chuyên trách trong ứng phó, xử lý tình huống chưa hiệu quả; trao đổi, cung cấp thông tin giữa các lực lượng chưa kịp thời; dự báo, cảnh báo thiên tai độ chính xác chưa cao; nguồn lực đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai, mua sắm trang bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.
Giai đoạn tiếp theo, để nâng cao hiệu quả ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, các cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
1. Phát huy trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ trì của các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; xác định đây là một nhiệm vụ chính trị trọng yếu. Chuẩn bị đầy đủ về lực lượng, phương tiện, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra trên từng địa bàn, đặc biệt là tại trọng điểm, vị trí xung yếu. Tuân thủ, vận dụng tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai, áp dụng linh hoạt trong từng trường hợp, địa bàn cụ thể.
2. Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức phòng, chống thiên tai cho mọi cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên chức trong Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Đảm bảo huy động tối đa khả năng nhân lực, vật lực thực hiện tìm kiếm cứu nạn khi có thiên tai, tai nạn, sự cố.
3. Thực hiện tốt công tác tham mưu với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố về công tác quản lý nhà nước trong công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
4. Duy trì nghiêm chế độ trực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các cấp; tăng cường công tác phối hợp trao đổi cung cấp thông tin và nâng cao khả năng xử lý thông tin giữa Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn và các sở, ngành, địa phương kịp thời, chính xác để báo cáo, đề xuất xử lý kịp thời, hiệu quả khi có tình huống.
5. Tham mưu với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quan tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2021-2025 (có phụ lục kềm theo).
6. Tổ chức quản lý chặt chẽ phương tiện, trang bị tìm kiếm cứu nạn ở tất cả các cấp; thực hiện nghiêm chế độ bảo quản, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn theo quy định, sử dụng đúng mục đích, không để hư hỏng, mất mát, hạn chế tình trạng xuống cấp chất lượng các trang thiết bị.
Thực hiện tốt những giải pháp trên, là cơ sở quan trọng để Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam anh hùng.
PV