Fitch Ratings nâng Triển vọng lên “Tích cực” nhờ khả năng phục hồi tăng trưởng của Việt Nam - một trong rất ít nền kinh tế trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và thuộc nhóm các nước hạng BB có thể duy trì tăng trưởng dương ở mức 2,91% vào năm 2020 trước đại dịch Covid-19.
Ngày 1/4/2021, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings khẳng định lại xếp hạng mức trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức BB, nâng triển vọng từ “Ổn định” lên “Tích cực”.
Việt Nam nằm trong số rất ít các nền kinh tế ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương được xếp hạng 'BB' có tăng trưởng dương vào năm 2020, ở mức 2,9%.
Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên triển vọng 'tích cực'
Thành tích nói trên đạt được là nhờ có việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 một cách nhanh chóng, bất chấp tác động của đại dịch đối với hoạt động kinh tế trong nước và dòng vốn du lịch, cùng với sự hỗ trợ chính sách mạnh mẽ từ Chính phủ và tăng cường xuất khẩu.
"Việc triển khai chương trình tiêm chủng của Việt Nam mới chỉ ở bước đầu, nhưng chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng GDP sẽ đạt khoảng 7% vào năm 2021 và 2022, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi, duy trì tăng trưởng xuất khẩu và dần dần bình thường hóa hoạt động kinh tế trong nước dựa. Dự báo này dựa trên kỳ vọng các cơ quan chức năng tiếp tục thành công trong việc ngăn chặn Covid-19 trong nước" - báo cáo cho biết.
Trước đó, ngày 18/3/2021, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (“Moody’s”) cũng đã thông báo về việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ và ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm, và điều chỉnh tăng triển vọng lên Tích cực.
Cơ sở tổ chức Moody’s đưa ra quyết định giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia và điều chỉnh tăng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam hai bậc lên Tích cực là sự ghi nhận thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam vượt xa các quốc gia có xếp hạng tín nhiệm tương đồng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn thế giới.
Moody’s cho biết, giải pháp chính sách phát triển và kiềm chế dịch bệnh hiệu quả của Việt Nam đã hỗ trợ hoạt động kinh tế trong nước và giao thương quốc tế phục hồi nhanh chóng và hỗ trợ thu ngân sách. Triển vọng tăng trưởng kinh tế trong trung hạn được nhận định là đầy hứa hẹn nhờ những thành quả cải thiện vị thế tài khoá và nợ đầy thuyết phục và vững chắc. Moody’s ghi nhận điểm số về sức mạnh thể chế của Việt Nam đã được tăng cường rõ rệt trong việc Chính phủ quản lý ngân sách và quản lý nợ.
Việc Moody’s đánh giá nâng hai bậc triển vọng đối với Việt Nam là chưa từng có tiền lệ trong xếp hạng tín nhiệm của tổ chức này trên toàn cầu kể từ đại dịch Covid-19, và là kết quả rất đáng ghi nhận đối với Việt Nam.
Đặng Yến