Để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp, cần phải bảo đảm sự nhất quán trong cơ chế chính sách và thống nhất cách quản lý. TP. Hà Nội đang triển khai các hỗ trợ về mặt thủ tục như miễn phí thành lập, miễn phí đăng ký con dấu cho doanh nghiệp mới đăng ký. Ðồng thời, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện, môi trường đầu tư, kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp.
Theo thống kê, chỉ tính riêng năm 2019, Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 27.114 đơn vị thành lập mới, với số vốn đăng ký 386.449 tỷ đồng, tăng 8% về số lượng doanh nghiệp so với năm 2018. Tuy nhiên, trong số hơn 27 nghìn doanh nghiệp đó chỉ có 48 doanh nghiệp mới được chuyển đổi từ mô hình hộ kinh doanh cũ. Trong khi, theo thống kê, Hà Nội có tới 300 nghìn hộ kinh doanh, nhưng hầu hết đều ngại chuyển đổi, khiến công tác này vẫn "giậm chân tại chỗ”.
Theo ý kiến khảo sát tại các chi cục thuế cho thấy, rào cản lớn nhất hiện nay nằm ở chính bản thân các hộ kinh doanh. Qua thực tế vận động tại cơ sở thì hộ kinh doanh còn tâm lý lo ngại khi chuyển lên doanh nghiệp. Họ cho rằng, với mô hình doanh nghiệp sẽ phải thực hiện các vấn đề như mở sổ sách, thuê kế toán, lập báo cáo tài chính, lưu giữ hóa đơn, sổ sách… Bên cạnh đó, khi chuyển đổi thành doanh nghiệp thì còn phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính phức tạp hơn so với hộ kinh doanh như bảo hiểm, lao động, phòng cháy chữa cháy… và chính những thủ tục này sẽ làm gia tăng chi phí, gây khó khăn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, đặc điểm chung của các hộ kinh doanh chủ yếu là nhỏ, lẻ, chưa nắm được thủ tục pháp lý, trình độ hiểu biết cũng như nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao. Các hộ kinh doanh cũng chưa có sự nhìn nhận đúng mức về việc cần phải phát triển mở rộng kinh doanh, áp dụng kịp thời các công nghệ mới, mô hình quản lý mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh cũng như vào công tác thuế…
Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Hà Nội là địa phương tiên phong trong việc cải cách, rút ngắn thời gian hoàn thiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp. Trên thực tế, dư luận đã đánh giá cao kết quả này và một số tỉnh, thành phố khác đã tham khảo bài học thực tiễn, tiếp nhận kinh nghiệm của Hà Nội trong vấn đề này.
Việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp là hướng đi đúng, hướng tới mục tiêu cả nước có 1 triệu doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc này cũng không dễ, bởi người khởi nghiệp ít nhiều vẫn còn những khó khăn ban đầu bên cạnh sự hạn chế về năng lực quản trị, kế toán. Do đó, cần chú trọng vào công tác tư vấn, tuyên truyền, đào tạo kiến thức khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, thông tin về thị trường và quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cho người đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Ông Quyền cũng cho biết, để khuyến khích việc chuyển đổi này, Hà Nội đang triển khai các hỗ trợ về mặt thủ tục như miễn phí thành lập, miễn phí đăng ký con dấu cho doanh nghiệp mới đăng ký. Thủ tục kê khai thuế đã được cải tiến, đơn giản, chi phí thực hiện các thủ tục về thuế hiện cũng rất thấp. Ðồng thời, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện, môi trường đầu tư, kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp.
Mục tiêu quan trọng của năm 2020 và giai đoạn 2021-2025 là tiếp tục phát triển kinh tế nhanh, bền vững; chủ yếu dựa vào động lực là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tận dụng tối đa thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động; thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Để đạt mục tiêu trên, việc cải thiện mạnh môi trường đầu tư, kinh doanh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.
Hà Linh