Nhận định trên được Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI đưa ra trong báo cáo phân tích về triển vọng của ngành bảo hiểm năm 2021 vừa mới phát hành.
SSI dự báo tăng trưởng doanh thu phí của bảo hiểm nhân thọ sẽ tăng khá cao trong năm 2021. Ảnh minh hoạ
Theo nhận định của SSI, tăng trưởng doanh thu phí của ngành bảo hiểm sẽ tốt hơn trong năm 2021 với mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc cao hơn. Cụ thể, đối với mảng bảo hiểm nhân thọ khoảng 22% và phi nhân thọ khoảng từ 10-12% so với cùng kỳ năm 2020
Đưa ra các ước tính này, SSI phân tích: Nhu cầu các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ ở mức khá và nhờ các hợp đồng bancassurance độc quyền mới được ký kết. Các Công ty bảo hiểm có thể tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng lớn hơn.
Trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và không còn giãn cách xã hội, các hoạt động bán hàng (họp mặt, hội nghị khách hàng...) sẽ có thể phục hồi về mức trước Covid -19, thúc đẩy hoạt động bán hàng mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh đó, kinh tế phục hồi sẽ thúc đẩy bảo hiểm phi nhân thọ. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng GDP sẽ quay trở lại mức 6,5% vào năm 2021 khi các hoạt động kinh tế hồi phục. Do đó, bảo hiểm hàng hóa, hàng không, du lịch và bảo hiểm bảo an tín dụng sẽ có thể đạt được mức tăng trưởng trước Covid -19.
SSI cho rằng, có một số thay đổi về mặt cấu trúc sẽ tiếp diễn trong năm 2021. Ước tính doanh số bán hàng trực tuyến sẽ tăng. Tuy nhiên, kênh này chỉ phù hợp với một số phân khúc nhất định (bảo hiểm tai nạn con người, bảo hiểm xe máy bắt buộc, bảo hiểm du lịch). Ngoài ra, các công ty bảo hiểm có thể phát triển các dòng sản phẩm bảo hiểm sức khỏe với nhiều mức tùy chọn và đáp ứng nhiều đối tượng khách hàng hơn..
Định giá chưa trở lại mức trước Covid - 19. Hiện tại, Tập đoàn Bảo Việt đang giao dịch với mức định giá (PB) là 2,46 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm và 10 năm lần lượt là 3,06 lần và 2,76 lần và cũng thấp hơn mức trước Covid - 19 là 2,62 lần. SSI cho rằng, mức định giá thấp này có thể phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về sự bất lợi của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trong môi trường lãi suất thấp. Yếu tố tác động tích cực đến giá cổ phiếu trong ngắn hạn sẽ là việc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn khỏi BVH và Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (BMI), được kỳ vọng sẽ có thể thực hiện vào nửa đầu năm 2021.
Bên cạnh các yếu tố tích cực ngành bảo hiểm cũng sẽ phải đối mặt với một số thách thức. Trong đó, môi trường lãi suất thấp sẽ làm cho lợi nhuận đầu tư gặp khó khăn và làm giảm lợi nhuận của các công ty bảo hiểm vì phần lớn danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm là tiền gửi ngân hàng và trái phiếu chính phủ. Ngoài ra, nếu lợi suất trái phiếu chính phủ giảm hơn nữa, gánh nặng sẽ đặt lên dự phòng kỹ thuật bảo hiểm nhân thọ - ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận kế toán.
Chi phí tái bảo hiểm tăng cũng được coi là một yếu tố bất lợi. Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam thua lỗ cao, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản, đã khiến các nhà tái bảo hiểm quốc tế tăng giá tái bảo hiểm. SSI dự báo, xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong trung hạn. Hậu quả quan trọng của việc này là các công ty bảo hiểm có thể không thể duy trì các hợp đồng tái cố định (treaty) và buộc phải chuyển sang các hợp đồng tái tạm thời (facultative), ảnh hưởng đến năng lực của bảo hiểm phi nhân thọ
Châu Anh