Thông tin trên được lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết tại Đại hội Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam nhiệm kỳ III (2020-2025) vừa diễn ra tại TPHCM.
Nhiều hoạt động hỗ trợ hoạt động bán hàng đa cấp đã được các cơ quan quản lý nhà nước triển khai.
Theo Bộ Công thương, trong giai đoạn vừa qua dù gặp rất nhiều khó khăn do những điều tiếng từ các tổ chức cá nhân lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp để kinh doanh bất chính, tuy nhiên tổng doanh thu của doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại Việt Nam vẫn tăng trưởng trong 4 năm liên tiếp, giai đoạn 2016 - 2017 đạt khoảng 8.000 tỉ đồng/năm, năm 2018 đạt hơn 10.000 tỉ đồng, năm 2019 là khoảng hơn 12.000 tỉ đồng
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết những năm trước đây thị trường đã phải chứng kiến một số vụ việc bán hàng đa cấp bất chính xảy ra khiến lòng tin của xã hội và người tiêu dùng đối với hoạt động bán hàng đa cấp nói chung và người tham gia bán hàng đa cấp cũng như Hiệp hội bán hàng đa cấp nói riêng bị tổn hại nghiêm trọng.
Nhờ những nỗ lực to lớn của Quốc hội, những động thái quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước về lặp lại trật tự trên thị trường đặc thù này và sự hợp tác của Hiệp hội, tình hình đã có sự cải thiện đáng kể.
Doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình bán hàng đa cấp qua thanh lọc chỉ còn lại 1/3 tương đương với 21 doanh nghiệp so với trước đây là 67 doanh nghiệp. Hoạt động bán hàng đa cấp trở nên quy củ hơn, tuân thủ pháp luật hơn
“Đáng chú ý dù số lượng doanh nghiệp tham gia bán hàng đa cấp giảm rất mạnh nhưng doanh số và thu nhập của người tham gia bán hàng đa cấp không giảm, thậm chí tăng. Điều này cho thấy hoạt động bán hàng đa cấp chính thống, đúng nghĩa, đã vượt qua được giai đoạn khó khăn và đang dần lấy lại được lòng tin của người tiêu dùng”, ông Khánh cho biết
Mặc dù vậy, thách thức vẫn còn và rất lớn. Các hoạt động đa cấp bất chính đây đó vẫn rải rác xuất hiện, gây ảnh hưởng không chỉ tới xã hội, người dân mà còn cả các doanh nghiệp bán hàng đa cấp và người tham gia bán hàng đa cấp chân chính.
Người dân bình thường hầu như không phân biệt được giữa bán hàng đa cấp chính thống, theo quy định của pháp luật với bán hàng đa cấp bất chính, không phép hay sử dụng phương thức đa cấp để tiếp thị các sản phẩm đã bị pháp luật nghiêm cấm dẫn đến cái nhìn tiêu cực của xã hội đối với ngành bán hàng đa cấp.
Nếu để tình trạng này kéo dài, đến một lúc nào đó, bán hàng đa cấp chính thống sẽ không còn đất để tồn tại.
"Mô hình này nếu rơi vào những người xấu thì bán hàng đa cấp chính thống rất dễ bị biến tướng sang mô hình Pozi, dẫn đến cách nhìn tiêu cực về bán hàng đa cấp. Trong khi thực tế bán hàng trực tiếp theo hình thức đa cấp là một trong những hình thức phân phối hàng hóa, và được pháp luật thừa nhận. Hiện nhà nước Nhà nước đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ bán hàng đa cấp chính thống bằng việc liên tục hoàn thiện môi trường pháp lý và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, thậm chí là khởi tố, truy tố những kẻ làm ăn bất chính”, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, doanh nghiệp trong và ngoài nước đều được tạo điều kiện kinh doanh tại Việt Nam trên cơ sở tuân thủ nghiêm pháp luật Việt Nam và cạnh tranh lành mạnh
“Cùng với quản lý nhà nước, Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam có thể góp phần làm trong sạch môi trường bằng cách đề cao đạo đức của người bán hàng, các doanh nghiệp thành viên tuyệt đối tuân thủ quy định pháp luật bán hàng đa cấp. Ngoài ra, cần đảm bảo sự hợp lý của chất lượng sản phẩm, giá trị hàng hóa và giá bán.. Các doanh nghiệp cần xem công tác đào tại về pháp luật, sản phẩm, đạo đức nghề nghiệp là chìa khóa giúp xã hội nhận diện những doanh nghiệp chân chính. Cùng với đó, doanh nghiệp nên chú trọng đảm bảo chất lượng như đã đăng lý và sự hợp lý giá bán tương đồng với giá trị sản phẩm, nên tranh tình trạng chạy đua doanh số, trả hoa hồng để nâng giá sản phẩm”, lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Theo số liệu tổng kết của Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng, năm 2019 có 30 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, con số này giảm về 21 doanh nghiệp trong 8 tháng đầu năm 2020
Tổng hợp từ 24 doanh nghiệp, số người tham gia bán hàng đa cấp năm 2019 là hơn 1,1 triệu người, giảm 159.401 người (khoảng 12%) so với cuối 2018. Trong đó, lượng người có phát sinh doanh thu, hoa hồng chiếm khoảng 50%. Số lượng người tham gia kinh doanh đa cấp giảm nhưng tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2019 lại tăng 1.793 tỷ (khoảng 16%) so với 2018 khi đạt 12.575 tỷ đồng. Số liệu này tăng gần 4.250 tỷ đồng (35%) so với 2017.
Với doanh thu này, tổng số thuế các doanh nghiệp đa cấp nộp ngân sách hơn 1.660 tỷ đồng, chủ yếu là thuế giá trị gia tăng do người tiêu dùng chi trả (35,77%) và thuế xuất nhập khẩu (38,02%).
Theo Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng, hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm liên quan tới bán hàng đa cấp được siết chặt hơn. Cơ quan này cũng phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, buôn lậu (Bộ Công an) kiểm tra, xử phạt 4 doanh nghiệp với tổng tiền phạt hơn 1,8 tỷ đồng, thu hồi giấy phép 1 doanh nghiệp.
Ở cấp địa phương, các cơ quan quản lý tại đây cũng đã xử phạt hơn 1,13 tỷ đồng với các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp. Cơ quan quản lý cho biết thêm, tới đây sẽ ứng dụng loạt công nghệ vào quản lý, cấp phép kinh doanh đa cấp nhằm 'siết' lại hoạt động này.
Châu Anh