Khảo sát từ Vụ Dự báo thống kê (NHNN) cũng cho thấy, hầu hết các TCTD đều kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan trở lại trong năm 2021 nhờ nhiều yếu tố: tăng trưởng kinh tế hồi phục, doanh nghiệp quay trở lại nhịp kinh doanh,…
Với tiến độ nghiên cứu và sản xuất vắc xin để tiêm chủng đại trà trong thời gian tới, nền kinh tế dự kiến tiếp tục khởi sắc hơn trong năm nay. Thậm chí, không ít quốc gia đã chấp nhận sống chung với dịch bệnh và chờ đợi vắc xin nên vẫn quyết định mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế và thương mại. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là thời điểm để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại, thậm chí không ít lãnh đạo doanh nghiệp còn xem là thời cơ để tranh thủ đầu tư, thâu tóm và sáp nhập, mở rộng hoạt động để đón đầu xu thế nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ phục hồi nhanh trở lại trong thời gian tới, do đó có thể tích cực vay vốn hơn năm vừa qua.
Động lực nào cho tăng trưởng tín dụng 2021?
Diễn biến vừa qua cũng cho thấy dù dịch bệnh trong nước vẫn có thể đối mặt các đợt bùng phát mới, nhưng nền kinh tế sẽ không chọn phương án giãn cách toàn quốc như giai đoạn trước, mà nhiều địa phương, ngành nghề, lĩnh vực sẽ tiếp tục được phép duy trì hoạt động, do đó dòng tiền trong nền kinh tế vẫn sẽ đảm bảo tốc độ luân chuyển, theo đó nhu cầu vay vốn của khách hàng lẫn mong muốn cho vay của ngân hàng sẽ tiếp tục gia tăng...
Các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục tập trung cho vay các lĩnh vực có tiềm năng phục hồi tăng trưởng mạnh như bán buôn bán lẻ (55,8-57,7%); xuất nhập khẩu (54,8-56,7%); phục vụ nhu cầu đời sống (44,2-45,2%); xây dựng (38,5-44,2%)…
Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được các tổ chức tín dụng dự báo tăng 3,6% trong quý 1/2021 và tăng 13% trong năm 2021. Ngoại trừ nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn, các nhóm tổ chức tín dụng còn lại đều nâng mức dự báo về tăng trưởng tín dụng của đơn vị mình trong năm 2021.
Bên cạnh đó, do việc thắt chặt các điều kiện phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp theo nghị định 81 của Chính phủ, do vậy doanh nghiệp có khả năng quay lại với các khoản vay ngân hàng, từ đó thúc đẩy tín dụng tăng.
Ngoài ra, các khoản cho vay tài chính tiêu dùng cũng sẽ được tái khởi động sau một thời gian các công ty đầu ngành tập trung thu hồi nợ và thắt chặt các tiêu chí cho vay do lo ngại nợ xấu tăng vì dịch Covid-19.
Về phía các ngân hàng, trong bối cảnh thanh khoản thừa thãi, các kênh kinh doanh, đầu tư khác như thị trường trái phiếu, thị trường liên ngân hàng chứng kiến lãi suất vẫn đang ở mức thấp kỷ lục, buộc phải sớm tìm kiếm cơ hội cho vay thêm để đảm bảo biên độ lãi ổn định, nhất là khi các hoạt động tái cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, phí vừa qua đã ảnh hưởng lên lợi nhuận của nhiều ngân hàng.
Năm 2021, các ngân hàng có khả năng phải trích lập thêm dự phòng cho các khoản nợ đã tái cơ cấu, nên áp lực lợi nhuận càng buộc các nhà băng phải duy trì được tốc độ tăng trưởng tín dụng, cũng như để tránh tỷ lệ nợ xấu có thể tăng vọt trong trường hợp phải chuyển nhóm nợ đối với dư nợ đã tái cơ cấu.
Ngoài ra, thống kê cho thấy năm 2020, nhóm các TCTD đã phát hành hơn 103 nghìn tỷ đồng trái phiếu, chiếm gần 40% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành. Với lượng vốn trung dài hạn đã huy động đáng kể thông qua kênh phát hành giấy tờ có giá thời gian qua, các ngân hàng cũng phải buộc tối ưu hóa lượng vốn này, mà chỉ có hoạt động tín dụng mới đảm bảo đạt được biên độ lãi tốt nhất cho nguồn vốn có lãi suất cao này.
Đối với các NHTM quốc doanh, việc tăng vốn điều lệ cho nhóm này khả năng sẽ sớm hoàn tất ngay từ đầu năm nay. Agribank sẽ tăng vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước, trong khi Vietcombank và Vietinbank sẽ tăng vốn thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phần. Cần lưu ý rằng thời gian qua, Vietinbank là một trong số ít ngân hàng vì bị níu chân bởi hệ số an toàn vốn do không tăng vốn điều lệ được, nên đã không thể phát triển cho vay mạnh mẽ.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2021 được đặt ra ở mức 12%, thấp hơn mức 12.13% đạt được trong năm 2020, nhưng hầu hết tổ chức đều dự báo tăng trưởng tín dụng có thể đạt 14-15% trong năm nay. Với những cơ sở đã đề cập ở trên, mức tăng trưởng này vẫn có khả năng đạt được, nhất là khi nền kinh tế vẫn đang cần chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra.
Đáng lưu ý là với tăng trưởng tín dụng có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngân hàng trong năm 2020, năm nay, NHNN đã có sự thay đổi trong việc cấp hạn mức tín dụng cho các nhà băng.
Thứ nhất, NHNN hiện chưa chốt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 cho từng ngân hàng, mà chỉ mới tạm giao hạn mức tăng trưởng tín dụng quý đầu năm để các ngân hàng bám sát triển khai, do thông thường nhu cầu vay vốn trong quý 1 đều rất thấp, thường tăng trưởng âm.
Thứ hai, những năm trước, NHNN sử dụng con số tăng trưởng tín dụng tại thời điểm 31/12 năm trước để giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm sau. Tuy nhiên, hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ lấy theo số tăng trưởng bình quân, để sát với thực tế hơn. Đối với mục tiêu tăng trưởng toàn ngành 12%, NHNN cũng cho biết vẫn có thể điều chỉnh tùy theo tình hình thực tế.
Phương Lê