Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân và sẽ đi vào hoạt động hay không? Hay vẫn chỉ như “bình cũ rượu mới?”
Sáng ngày 12/12, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã chính thức vận hành thử nghiệm toàn hệ thống sau 8 lần trễ hẹn. Các chuyến tàu sẽ chạy liên tục từ 5 giờ sáng đến 23 giờ đêm. Đến mỗi nhà ga, tàu sẽ dừng khoảng 30 giây để đón trả khách như khi chạy thương mại.Có 9/13 đoàn tàu được đưa vào khai thác thử liên tục trong ngày, theo hai hướng từ đầu tuyến Yên Nghĩa đến cuối tuyến là ga Cát Linh. Tần suất đoàn tàu đến ga khoảng 6-7 phút/chuyến, giờ cao điểm có thể 2-3 phút/chuyến.
Toàn hệ thống dự án được vận hành theo cơ chế điều khiển tập trung, tự động từ Trung tâm Điều hành OCC đặt tại Depot Hà Đông. Các thông tin, tín hiệu của hệ thống tự động truyền về trung tâm điều hành để phục vụ chỉ huy, điều hành.
Quá trình vận hành thử nghiệm có sự tham gia của hơn 600 nhân sự thuộc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro); gần 200 chuyên gia Trung Quốc thuộc Tổng thầu Trung Quốc; Tư vấn độc lập của Pháp, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước...
Trước đó, từ ngày 4-11, toàn bộ lao động Việt Nam tham gia vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã thực hành, diễn tập các tình huống trên tuyến. Hiện nay, các nhân viên lái tàu có thể độc lập điều khiển tàu, không cần chuyên gia kèm trực tiếp.
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05 km gồm 12 ga và 1 khu Depot. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu gồm 4 toa dài khoảng 80m, sức chứa khoảng 1.000 khách, vận tốc thiết kế 80km/h, vận tốc khai thác thương mại 35km/h.
Năm 2008, dự án được Bộ GTVT phê duyệt với tổng mức đầu tư 8,7 nghìn tỷ đồng. Tổng mức đầu tư điều chỉnh là hơn 18 nghìn tỉ, trong đó vốn vay ODA của Trung Quốc là 13.867 tỉ đồng và vốn đối ứng 4.134 tỉ đồng. Từ khi khởi công đến nay, dự án đã chậm tiến độ 5 năm và 8 lần phải điều chỉnh tiến độ. 8 năm sau, vào năm 2016, do thay đổi thiết kế, chậm giải phóng mặt bằng… dự án được điều chỉnh lên hơn 18 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 9,2 nghìn tỷ đồng so với tổng mức ban đầu.
Năm 2019, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh tổng mức đầu tư. Theo đó, Bộ GTVT đã lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ gần 8,8 nghìn tỉ lên đến 18.1 nghìn tỉ (tăng 205,27%) khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội.
Trong đó, phần vốn vay của Trung Quốc cũng lên con số 13,8 nghìn tỷ đồng (tương đương trên 669 triệu USD), tăng 7,2 nghìn tỷ đồng (tương đương 250,62 triệu USD).
Ở 1 khía cạnh khác, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh về việc gia hạn thời gian thực hiện dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Theo đó, Chính phủ đồng ý với kiến nghị của Bộ GTVT về việc gia hạn thời gian hoàn thành dự án đến tháng 3-2021 và thời hạn rút vốn của Hiệp định vay bổ sung trị giá 1,598 tỉ nhân dân tệ. Đồng thời, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan liên quan triển khai các thủ tục gia hạn theo quy định. Trước đó, Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông ấn định thời gian vận hành thử toàn tuyến kéo dài từ ngày 12-12 đến 31-12.
Với một kịch bản mới, liệu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân và sẽ đi vào hoạt động hay không? Hay vẫn chỉ như “bình cũ rượu mới?”
Trung Đức