Ngày 26/11 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Xây dựng và Quỹ Friedrich Naumann Foundation của Đức (FNF) tổ chức hội thảo Thủ tục hành chính liên ngành về cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan: Dưới góc nhìn của doanh nghiệp.
Phát điểu khai mạc hội thảo, Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI nhận định, hoạt động xây dựng rất quan trọng và liên quan đến nhiều đơn vị, cơ quan chức năng. Đồng thời, chịu sự quản lý của nhiều cấp, ngành nên thủ tục, quy định có nhiều phức tạp.
Thời gian qua, Chính phủ cùng các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đang nỗ lực đưa ra các giải pháp giúp giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tăng cường cung cấp thông tin và hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí không chính thức và tăng tính minh bạch, liêm chính trong công tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ.
Hội thảo công bố báo cáo Thủ tục hành chính liên ngành trong lĩnh vực cấp phép xây dựng dưới góc nhìn của doanh nghiệp diễn ra vào sáng ngày 26/11 tại Hà Nội đã trình bày kết quả khảo sát cũng như mở ra các phiên thảo luận nhằm giải quyết hiệu quả các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng cũng như đón nhận kiến nghị và giải pháp từ cộng đồng doanh nghiệp nhằm cải cách và hoàn thiện hệ thống chính sách.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển là chủ trương quan trọng mà Đảng đã đề ra, và Chính phủ đang ưu tiên chỉ đạo thực hiện. Thực hiện Nghị quyết, Bộ Xây dựng đã tích cực trong công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đổi mới điều kiện đầu tư kinh doanh, theo đó đã cắt giảm, đơn giản hóa 157/254 điều kiện đầu tư kinh doanh, cắt giảm trên 62% các thủ tục cũng như điều kiện đầu tư kinh doanh, thuộc các lĩnh vực của đầu tư xây dựng. Điều này cũng đồng nghĩa với cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại khai mạc hội thảo. Ảnh: Dương Dương
Về chỉ số cấp phép xây dựng, ông Sinh cho biết đây là một trong mười chỉ số quan trọng được ngân hàng thế giới dùng để đo lường, đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh của nền kinh tế, có ý nghĩa quan trọng và tầm ảnh hưởng tới đánh giá của Quốc tế về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Ông Sinh cũng nhấn mạnh, năm 2019 với nỗ lực trong công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Xây dựng, chỉ số cấp phép xây dựng tiếp tục được cải thiện và chỉ số xếp hạng cao nhất trong 10 chỉ số môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Theo đánh giá của VCCI, trong thời gian gần đây, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã có nhiều sự chuyển biến tích cực với những nỗ lực cải cách của Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền các địa phương. Điều tra doanh nghiệp thường niên của VCCI trong khuôn khổ Dự án Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã cho thấy nhiều kết quả tích cực qua phản ánh của các doanh nghiệp.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI khẳng định, dư địa để tiếp tục cải cách vẫn còn nhiều. Điều tra doanh nghiệp của VCCI cho thấy, cải cách hành chính nếu xét riêng trên từng lĩnh vực cơ bản đã có thay đổi tích cực. Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn còn nhiều vướng mắc khi triển khai dự án liên quan đến các lĩnh vực thủ tục hành chính, điển hành là những dự án có công trình xây dựng.
Ông Đậu Anh Tuấn khẳng định tại hội thảo, dư địa để tiếp tục cải cách vẫn còn nhiều. Ảnh: Dương Dương
Theo ông Đậu Anh Tuấn, do số lượng thủ tục hành chính lớn và liên quan đến nhiều cơ quan, nhiều cấp chính quyền, Báo cáo của VCCI tập trung vào những thủ tục hành chính liên ngành mà doanh nghiệp thường gặp phải khi thực hiện công trình xây dựng.
Khoảng 2.100 doanh nghiệp gồm cả doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp FDI có hoạt động xây dựng mới, cải tạo nhà xưởng trong 2 năm gần nhất đã cung cấp thông tin trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính liên ngành trong lĩnh vực xây dựng.
Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiến hành 2 cấp thoát nước và cấp điện lần lượt là 23,6% và 27,9%; tỷ lệ doanh nghiệp gặp trở ngại với thủ tục thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy và kiểm tra, thanh tra về phòng cháy chữa cháy còn khá cao, lần lượt là 38,3% và 34%; tỷ lệ doanh nghiệp có vướng mắc về các thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng và thủ tục về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị lần lượt là 58,4% và 52,2%, xếp hạng cao nhất.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy 38,2% doanh nghiệp chưa hài lòng với hoạt động thanh tra, kiểm tra về xây dựng của các cơ quan quản lý nhà nước.
Đáng chú ý, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, trải nghiệm của doanh nghiệp dân doanh đối với các thủ tục liên ngành về xây dựng kém tích cực hơn đáng kể so với các doanh nghiệp FDI.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương) chia sẻ quan điểm, “dư địa để cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính vẫn còn rất nhiều”. Bà Thảo cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp có đội ngũ pháp lý hùng mạnh còn gặp vướng mắc với thủ tục luên quan đến cơ quan quản lý nhà nước thì người dân còn vướng mắc hơn nhiều.
Bà Thảo đưa ra kiến nghị, muốn tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc cải cách thủ tục hành chính cần phải tăng cường giám sát thực thi công vụ.
Bà Nguyễn Minh Thảo nêu quan điểm người dân là đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Ảnh Dương Dương
Các kết quả phân tích trong báo cáo của VCCI cũng chỉ ra những “điểm nghẽn” chủ yếu gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính liên ngành trong cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan.
Cụ thể, tổng thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên ngành trong cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan kéo dài hơn so với quy định. Cùng với đó là việc hướng dẫn, hỗ trợ thông tin thực hiện các thủ tục còn chưa tiếp cận đến tất cả các doanh nghiệp. Một số cán bộ, giải quyết và tiếp nhận hồ sơ trong lĩnh vực xây dựng còn gây phiền hà cho doanh nghiệp. Vẫn còn tỉ lệ đáng kể doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức khi thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này.
Từ thực tế đó, VCCI đã đề xuất các nhóm giải pháp nhằm rút ngắn chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Đồng thời đề xuất định hướng giải pháp hỗ trợ thông tin, hướng dẫn thủ tục hành chính liên ngành trong lĩnh vực xây dựng cho doanh nghiệp; định hướng giải pháp giảm thiểu chi phí không chính thức; tăng tính minh bạch và liêm chính trong công tác tiếp nhận và xử lý hồ sơ thủ tục hành chính.
Anh Thư - Dương Dương