Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận 630 sản phẩm OCOP; đồng thời tổ chức nhiều sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền; giúp người tiêu dùng nhận diện thương hiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm...
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, Chương trình OCOP thành phố Hà Nội với mục tiêu đến hết năm 2020 tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm từ 800 đến 1.000 sản phẩm, đến nay Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận được 630 sản phẩm OCOP, trong đó có có 14 sản phẩm tiềm năng 5 sao (chiếm 2,2%); 421 sản phẩm 4 sao (chiếm 66,8%); 195 sản phẩm 3 sao (chiếm 31%) của 50 Doanh nghiệp, 57 HTX và 52 Hộ sản xuất kinh doanh, giải quyết được trên 3.000 lao động khu vực nông thôn.
Trong tổng số 630 sản phẩm OCOP có 467 sản phẩm thực phẩm chiếm 74,1%; đồ uống 19 sản phẩm chiếm 3%; thảo dược 5 sản phẩm chiếm 0,8%; vải, may mặc 24 sản phẩm chiếm 3,8%; sản phẩm lưu niệm, nội thất và trang trí chiếm 18,3% với 115 sản phẩm.
Hà Nội đã công nhận và phân hạng 630 sản phẩm OCOP
Hiện nay, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện và Tổ tư vấn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ đánh giá phân hạng khoảng trên 370 sản phẩm hoàn thành trong tháng 12/2020. Phấn đấu đến hết năm 2020, thành phố Hà Nội có trên 1.000 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng.
Trong xúc tiến thương mại, phát triển thị trường sẽ chú trọng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; lồng ghép, tổ chức hội chợ OCOP và diễn đàn kết nối giao thương cấp Thành phố; hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế nhằm quảng bá giới thiệu các sản phẩm OCOP đối với các sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và chủ hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.
Giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền
Hà Nội đã tổ chức 4 sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền; đưa vào hoạt động 13 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP.
Theo đó, hàng nghìn sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền được trưng bày, quảng bá giới thiệu đến người tiêu dùng Thủ đô và nhân dân cả nước. Hàng trăm hợp đồng, biên bản ghi nhớ hợp tác giao thương, tiêu thụ sản phẩm đã được ký kết. Đồng thời, giúp người tiêu dùng nhận diện thương hiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm...
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của Hà Nội và cả nước vào hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bản sản phẩm OCOP, sàn giao dịch điện tử... và xuất khẩu. Đưa sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế quan tâm, đón nhận, sử dụng.
Trung Anh