Ảnh hưởng của dịch COVID-19, cùng với tình hình thời tiết phức tạp, lịch trình của các hãng tàu đã thay đổi khiến tình trạng khan hiếm container rỗng trầm trọng hơn. Doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó khăn vì các hãng tàu thiếu container rỗng để đóng hàng xuất khẩu.
Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), hiện có đến 40% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong việc giao nhận container rỗng tại các nơi tập kết container và khi chủ hàng đến nhận mới được thông báo báo là chưa có. 43% doanh nghiệp cho biết là do bộ phận đặt chỗ với hãng tàu cho thuê container rỗng vượt số lượng cho phép và 17% do bộ phận kinh doanh chưa tiếp cận thuê container rỗng được từ hãng tàu.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng khó khăn trong tuyến vận chuyển hàng hóa chủ yếu là qua khu vực Nội Á và Châu Mỹ.
Khan hiếm container rỗng trong mùa cao điểm, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó
Theo hiệp hội, nguyên nhân khan hiếm container là do Việt Nam là nước xuất siêu và ảnh hưởng thời tiết nên việc vận chuyển container chiều về từ các nước như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… gặp nhiều khó khăn. Không những do ảnh hưởng của giao nhận container ở ICD /cảng cạn (depot) mà việc kiểm soát container rỗng của hãng tàu depot chưa tốt cũng đã gây thiếu hụt container ở Việt Nam.
Trước việc thiếu container rỗng xuất khẩu, buộc các doanh nghiệp phải đàm phán với đối tác nhập khẩu để họ thông cảm vì gián đoạn trong quá trình vận chuyển. Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng nêu trên, một số cảng ở khu vực phía Nam cho biết đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao nguồn lực để tăng cường chất lượng dịch vụ vận chuyển container, rút ngắn thời gian quay vòng container. Cụ thể, Trung tâm Dịch vụ Logistics Tân Cảng (SNPL) đang đẩy mạnh vận chuyển container rỗng giữa cảng Cái Mép và ICD Tân Cảng Long Bình, cũng như tại các ICD khác như Sóng Thần, Nhơn Trạch, Hiệp Phước.
Một số đề xuất khác nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt container rỗng là tăng cường sử dụng cơ sở mới, ở vùng nào thì chủ động lấy container vùng đó để tránh tình trạng ùn tắc và thiếu hụt khi chỉ tập trung vào một chỗ.
Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch VLA khuyến nghị, về phía hãng tàu, việc cung cấp thông tin minh bạch cho chủ hàng/các công ty giao nhận, cũng như cân đối chiến lược bán hàng và nhận booking theo khả năng cung ứng là cần thiết.
Bên cạnh đó, hãng tàu cũng cần cải thiện việc trao đổi thông tin chính xác và kịp thời với depot hơn, đồng thời tăng cường ủy quyền cho các depot trong việc sửa chữa container để đẩy nhanh việc đưa container đạt chất lượng vào sử dụng.
Đối với các chủ hàng/công ty giao nhận, cần tuân thủ các yêu cầu về thủ tục booking để giữ chỗ sớm. Cơ chế thưởng/phạt đối với các chủ hàng/công ty giao nhận khi trả vỏ container rỗng nhanh/chậm cũng nên được đưa vào áp dụng.
Hà Anh