Có nhiều yếu tố khiến dòng vốn FDI chất lượng cao "đổ" về Việt Nam trong vài năm trở lại đây tăng cao, đặc biệt trong những tháng đầu năm khi tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Dòng vốn FDI chất lượng cao đang đổ về Việt Nam
Tín hiệu tích cực
Việt Nam đang thay đổi chiến lược thu hút FDI, tập trung vào dự án chất lượng đang có những kết quả nhất định. Số vốn FDI thực hiện trong 2 tháng đầu năm 2021 ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, cả nước có 115 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư. Quy mô vốn điều chỉnh tăng (từ 4,2 triệu USD/lượt trong 2 tháng năm 2020 lên gần 14 triệu USD/lượt trong 2 tháng năm 2021), làm tăng tổng vốn đầu tư điều chỉnh lên gấp 2,5 lần so với cùng kỳ.
Đánh chú ý, bên cạnh những dự án mới, nhiều dự án FDI đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong năm 2021. Tiêu biểu như, dự án LG Display tăng vốn thêm 750 triệu USD, lần thứ 4 điều chỉnh tăng vốn kể từ khi đầu tư tại Việt Nam. Đến nay, tổng vốn của LG Display đổ vào Hải Phòng đã lên tới 3,25 tỷ USD. Theo kế hoạch, ngay sau khi được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, LG Display sẽ nhanh chóng triển khai xây dựng, lắp đặt phần mở rộng và dự kiến đến tháng 5/2021 có thể bắt đầu đi vào sản xuất.
Sau dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất các loại máy tính bảng, máy tính xách tay tại tỉnh Bắc Giang, Tập đoàn Foxconn vừa có chuyến công tác tại Thanh Hóa nhằm khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư sản xuất thiết bị điện tử.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài đánh giá, việc DN FDI mở rộng sản xuất ở Việt Nam là tín hiệu đáng mừng. Ông Toàn đề xuất, cần phải nâng cao năng lực về vốn, công nghệ, sản phẩm của DN nội địa Việt Nam để gia nhập vào chuỗi sản xuất của các DN FDI. Từ đó góp phần gia tăng giá trị cho người Việt Nam.
Nhiều trợ lực cho dòng vốn FDI vào Việt Nam
Sở dĩ dòng vốn FDI đang có những dấu hiệu tích cực khi ngày càng nhiều dự án chất lượng chọn Việt Nam là điểm đến là bởi, trước đó Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Ngoài ra, Quốc hội đã thông qua các bộ luật quan trọng liên quan đến đầu tư - kinh doanh như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP) với nhiều điểm mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục đầu tư, minh bạch, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, bổ sung cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án quy mô lớn…
Bên cạnh đó, các FTA như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… và loạt FTA khác đã mở ra hướng hợp tác mới, rộng lớn, toàn diện cho Việt Nam.
“Các FTA này sẽ đóng vai trò rất quan trọng với Việt Nam trong năm 2021. Việc Apple mới đây chọn Việt Nam là nơi sản xuất Ipad và Macbook đầu tiên ngoài Trung Quốc là minh chứng cho thấy dòng vốn FDI chất lượng cao đang ngày càng đổ vào Việt Nam nhiều hơn”, ông Terence Alford - Giám đốc Bộ phận Thị trường vốn và đầu tư Colliers International - nhận xét.
Ngoài ra, công tác phòng chống đại dịch Covid-19 thành công cũng chính là yếu tố tác động niềm tin đến các nhà đầu tư. Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) đánh giá, thành công trong phòng chống dịch bệnh đã giúp Việt Nam sớm bắt đầu công cuộc phục hồi kinh tế. Trong bối cảnh, các công ty liên tục điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu, sự ứng phó hiệu quả của Chính phủ đối với đại dịch sẽ càng nâng tầm vị thế của Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Minh Nguyễn