Từ ngày 10/11/2020 đến nay, cơ quan thẩm quyền tại cửa khẩu Trung Quốc bắt đầu áp dụng chế độ kiểm soát, xông trùng và truy xuất nguồn gốc 100% lô hàng thủy sản đông lạnh tại hầu hết các cảng lớn và quan trọng như Thượng Hải, Vũ Hán, Thiên Tân, Thanh Đảo...
Lo lắng đại dịch Covid-19 có thể quay trở lại qua con đường thực phẩm nhập khẩu, mới đây, thành phố Thượng Hải đã yêu cầu tất cả thực phẩm đông lạnh nhập khẩu có nguy cơ cao được lưu trữ, chế biến hay bán tại thành phố này phải được đưa vào kho quá cảnh để xét nghiệm Covid-19 và khử trùng bao bì, việc giao hàng sẽ được thực hiện trực tuyến.
Các doanh nghiệp (DN) khi xuất hàng đông lạnh vào Trung Quốc sau khi bắt buộc phải điền đầy đủ thông tin về chủ xe, tờ khai hải quan, phương tiện, tài xế, luồng hàng theo yêu cầu và ký vào “Biên bản cam kết công tác phòng, chống dịch”, toàn bộ các container hàng lạnh phải được đưa vào kho quá cảnh do chính phủ Trung Quốc chỉ định chờ xét nghiệm, ngoại trừ hàng đã được khử trùng tại cảng.
Tuy nhiên, thời gian để kiểm soát tư khi lấy mẫu đến khi trả kết quả để thông quan vẫn chưa có hướng dẫn và thông tin rõ ràng, cụ thể, khiến lượng hàng hóa bị ách tắc ngay tại cảng rất lớn.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP xác nhận dù nhu cầu nhập khẩu thủy hải sản Trung Quốc tăng cao, nhưng hiện nhiều doanh nghiệp không thể xuất hàng vào do quốc gia này áp dụng việc kiểm tra từng container, phun khử trùng, đưa vào kho lấy mẫu khiến quá trình thông quan diễn ra lâu hơn so với bình thường, ùn ứ kéo dài.
Trung Quốc tăng kiểm soát hàng thủy sản nhập khẩu, doanh nghiệp gặp khó
Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), quy định mới này được Trung Quốc áp dụng từ giữa tháng 11 khi truyền thông nước này cho biết có phát hiện vi rút SARS-CoV-2 trên bao bì thực phẩm được nhập về từ 20 quốc gia, bao gồm các sản phẩm thịt heo Đức, thịt bò Brazil và cá Ấn Độ.
Trước đó, hồi tháng 3 năm nay, sau đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại nhiều nước, Trung Quốc cũng có động thái kiểm dịch tương tự đối với hàng đông lạnh Việt xuất sang nước này liên quan phòng chống dịch Covid-19.
Việt Nam hiện là quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, nếu hàng hóa Việt cũng bị đối xử như hàng nhập từ các quốc gia chưa kiểm soát được dịch bệnh, rõ ràng là thiệt thòi lớn.
“VASEP cũng đã kiến nghị Bộ NN-PTNT Việt Nam cần phối hợp với Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao để làm việc với cơ quan thẩm quyền Trung Quốc nhằm sớm tháo gỡ vướng mắc này cho DN. Đối với DN, đừng vì lo lắng hàng khó đi, bị ùn ứ mà nôn nóng chào giá rẻ, ảnh hưởng đến xuất khẩu của ngành sang thị trường này. Giữa DN hai nước vẫn có thể đàm phán, trao đổi, thỏa thuận để có tiếng nói chung, có lợi cho cả hai bên”, ông Hòe nói.
Minh Phương (T/H)