Sau một thời gian hoàn thiện hồ sơ, nâng cấp sản phẩm, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các cấp đã phân hạng được 2 đợt cho 23 chủ thể có 47 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3 sao trở lên.
Chiều 13/12, UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025 và năm 2021; dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư công năm 2021; công bố quyết định sản phẩm OCOP tỉnh Lai Châu năm 2020.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu Đặng Văn Châu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các chủ thể đánh giá, lựa chọn được 88 sản phẩm có tiềm năng tham gia Chương trình OCOP.
Sau một thời gian hoàn thiện hồ sơ, nâng cấp sản phẩm, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các cấp đã tổ chức đánh giá, phân hạng được 2 đợt cho 23 chủ thể có 47 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, đợt 1 có 23 sản phẩm OCOP, với 14 sản phẩm đạt 3 sao và 9 sản phẩm đạt 4 sao; đợt 2 có 24 sản phẩm OCOP đạt 3 sao.
Lai Châu công bố 47 sản phẩm OCOP năm 2020 (Ảnh minh họa)
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lai Châu tập trung đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh; xây dựng Lai Châu phát triển nhanh và bền vững.
Đến năm 2025, Lai Châu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9 - 10%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng; thu ngân sách trên địa bàn đạt 3.000 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trung bình 11,5%/năm.
Về xây dựng nông thôn mới, tỉnh phấn đấu trên 57,5% xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 15 tiêu chí, có thêm 2 huyện Tam Đường, Than Uyên đạt huyện nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm, riêng các huyện nghèo giảm 4%/năm; giải quyết việc làm cho 8.500 lao động/năm...
Đến năm 2030 tỉnh phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước.
Để hoàn thành các mục tiêu, tỉnh Lai Châu đã đề ra 3 chương trình, đề án trọng điểm trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030: đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa tập; đề án phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; đề án phát triển rừng bền vững; đề án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch...
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư các đưa ra các giải pháp kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội như tập trung xây dựng, hoàn thiện quy hoạch tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2030; tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư vào tỉnh như nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước, vốn nước ngoài; tăng cường quản lý thu, chống thất thu, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời; phân tích, đánh giá nguyên nhân tăng, giảm điểm của từng chỉ số thành phần thuộc hệ thống các chỉ số PCI...
Cùng với đó, lãnh đạo huyện Than Uyên đưa ra 8 giải pháp về phát triển kinh tế, thu, chi ngân sách và kế hoạch vốn đầu tư công gồm: phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, lồng ghép các nguồn lực để triển khai hiệu quả các đề án, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với du lịch cộng đồng; quản lý chặt chẽ các khoản thu, tập trung khai thác nguồn thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh...
Lê Linh